11 nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương đã đạt 'thỏa thuận căn bản'
Sự kiện - Ngày đăng : 12:11, 11/11/2017
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu như trên tại cuộc họp báo ở thành phố Đà Nẵng sáng 11.11.
"Chúng tôi đã đạt thỏa thuận về một loạt những vấn đề căn bản," ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, và cho biết thêm rằng các bộ trưởng đã nhất trí đổi tên hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo ông Trần Tuấn Anh, các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên đã đình chỉ một số điều khoản nhất định để có thể xúc tiến khuôn khổ thỏa thuận mà vẫn duy trì được các tiêu chuẩn cao về lao động cũng như những vấn đề khác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn lại nội dung tuyên bố chung của 11 bộ trưởng thành viên hiệp định mới CPTPP, đồng thời nhận định rằng "kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã giúp tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và thúc đẩy sự hội nhập kinh tế có hiệu quả hơn."
Hội nghị Bộ trưởng TPP diễn ra tại Đà Nẵng trong các ngày 9 và 10.11 tại Đà Nẵng bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
TPP được ký kết chính thức giữa 12 nước tham gia gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam vào ngày 4.2.2016. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng (bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại) và mức độ cam kết rất cao.
Tuy nhiên, ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp rút nước này khỏi TPP. Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này.
Sau vòng đàm phán mới nhất diễn ra tại Nhật Bản đầu tháng 11.2017, các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP còn lại đều tỏ ý muốn đạt được tiến triển và kết quả tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
theo TTXVN