Phó tổng thống ‘trù ếm’ Tổng thống Zimbabwe bị 'bay' chức
Quốc tế - Ngày đăng : 07:33, 12/11/2017
Việc cách chức một đồng minh lâu năm là động thái Tổng thống Mugabe mở đường cho người vợ Grace Mugabe kế nhiệm ông.Ngày 8.11, Tổng thống Mugabe, 93 tuổi, cáo buộc ông Mnangagwa “sốt ruột” muốn ông chết để giành quyền lực.
Ông nói với nhóm người ủng hộ: “Chúng tôi đã loại Mnangagwa cùng vì lý do loại Mujuru. Ông ta đã hỏi ý những nhà chữa bệnh dân gian về chuyện khi nào tôi chết”.
Đây không phải lần đầu ông viện lý do “ma thuật” để loại bỏ một đối thủ chính trị. Nữ Phó tổng thống Joice Mujuru cũng bị cách chức hồi cuối năm 2014, bị cáo buộc “dùng phép thuật” để âm mưu chống lại Tổng thống Mugabe.
Lúc đó, Đệ nhất phu nhân Mugabe từng góp tay loại bỏ bà Mujuru, cáo buộc bà Mujuru âm mưu ám sát chồng bà để giành quyền làm tổng thống. Cuối năm đó, ông Mugabe khai trừ đảng đối với bà Mujuru, chỉ định ông Mnangagwa làm Phó tổng thống.
Tại Zimbabwe, nhiều người còn tin có “phép phù thủy”, chính phủ cũng công nhận sự hiện hữu của phù thủy, nhưng các tòa án không được cho phép xét xử những vụ “trù ếm”.
Các nhà nghiên cứu thuật phù thủy Zimbabwe lưu ý: “Cáo buộc phù thủy thường luôn do có sự căng thẳng, xung đột trong gia đình, làng xã hoặc cộng đồng. Căng thẳng có thể do xung đột quyền thừa kế, hiểu lầm về việc chia sẻ tài sản gia đình hoặc những hình thức tranh cãi khác”.
“Đánh rắn phải đánh dập đầu”
Sau khi chồng loại đối thủ Mnangagwa đe dọa chức tổng thống của mình, bà Mugabe tuyên bố hôm 8.11: “Không ai sẽ có thể lật đổ Tổng thống, ngoại trừ Chúa. Tôi yêu tổng thống của tôi. Tôi sẽ giúp ngài đem đất nước đến sự thịnh vượng hơn”.
Theo báo nhà nước Herald, bà Mugabe tố cáo ông Mnangagwa là “cội nguồn của chủ nghĩa bè phái, đang tìm cách xem thường tổng thống và chia rẽ trong đảng”.
Bà tuyên bố: “Đánh rắn phải đánh dập đầu. Chúng ta phải đối phó một con rắn thật sự đứng sau những bè phái và gây chia rẽ đảng. Chúng ta phải là một đảng đoàn kết ở đại hội đảng sắp tới”.
Bà Mugabe có thể được chỉ định làm một trong hai phó tổng thống, khi đại hội đảng Zanu-PF cầm quyền sẽ diễn ra trong tháng 12.2017.
Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 21.7.2018, theo Hiến pháp Zimbabwe, và ông Mugabe là ứng cử viên tổng thống của đảng Zanu-PF. Nếu ông tái trúng cử và hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm thì ông sẽ 99 tuổi.
Nhưng các nhà phân tích chính trị cho rằng ông Mugabe có thể kêu gọi bầu cử sớm, dẫn lý do ông đã tuổi cao sức yếu, và có thể ông muốn tranh thủ sự chia rẽ trong nội bộ Zanu-PF: phái Lacoste ủng hộ ông Mnangagwa, trong khi phái G40 tập hợp quanh Đệ nhất phu nhânMugabe, 52 tuổi.
Bà Mugabe cũng kêu gọi khai trừ toàn thể đảng viên phái Lacoste khỏi đảng Zanu-PF.
Hồi tháng 10, bà lên truyền hình nhà nước, phủ nhận sự cáo buộc bà chủ mưu đầu độc ông Mnangagwa, người tuyên bố đã bị đầu độc nên ông phát bệnh nhân một cuộc tranh cử hồi tháng 8, phải nhờ máy bay đưa qua Nam Phi chữa trị.
Hát ‘xem thường quyền lực tổng thống’ Zimbabwe
Ngày 10.11, 4 người Zimbabwe phải ra tòa, bị buộc tội hát lời “xem thường quyền lực” của Tổng thống Mugabe. Theo báo nhà nước Herald, 4 bị cáo bị bắt sau khi dự một cuộc mít-tinh của đảng Zanu-PF hôm 4.11 ở Bulawayo, thành phố lớn thứ hai của Zimbabwe.
Tại cuộc mít tinh này, Đệ nhất phu nhân Mugabe bị la ó chế giễu khi bà phát biểu, trước sự chứng kiến của chồng bà.
Công tố viên Jerry Mutsindikwa nói với thẩm phán: 4 bị cáo cùng những người khác hát một ca khúc, trong đó có một câu “Chúng tôi ghét những gì người đang làm”, và nói 4 bị cáo đối mặt với tội “xem thường quyền lực tổng thống”.
Trước đó, cảnh sát Zimbabwe đã mở cuộc truy lùng người chỉ huy nhóm chế diễu bà Mugabe: Magura Magura Charumbira, 34 tuổi, thủ lĩnh phái Lacoste ủng hộ ông Mnangagwa.
Ngày 4.11, Tổng thống Mugabe phẫn nộ cáo buộc Phó tổng thống Mnangagwa đã tổ chức và tài trợ cho những người chế diễu vợ ông.
Ông nói: “Hàng ngày tôi bị người của Mnangagwa sỉ nhục. Liệu tôi đã sai lầm khi chọn ông ta làm phó của tôi? Nếu tôi đã phạm sai lầm, thì tôi thậm chí có thể bỏ ông ta. Nếu ông ta toan lập đảng riêng thì cứ việc. Chúng ta không thể có một đảng mà hàng ngày các đồng chí lại sỉ nhục lẫn nhau”.
Ông Mugabe thực hiện lời hứa này ngày 6.11, ông tuyên bố sa thải Phó tổng thống vì ông Mnangagwa là “kẻ lừa đảo, bất trung và bất kính trọng”, và còn vì ông Mnangagwa âm mưu dùng “trù ếm” để lật đổ ông.
Sau khi bị cách chức, ông Mnangagwa tuyên bố mạng sống của ông bị “những sát thủ” đe dọa, và ông đã trốn ra nước ngoài để sống lưu vong. Có tin trong tuần này ông sẽ đến Nam Phi.
Tại một địa điểm bí mật (không rõ nước nào), ông ra tuyên bố 5 trang, công bố đanh tính kế trở về nước để giành lại vị trí quyền lực: “Tôi sẽ sớm liên lạc, và sẽ trở về Zimbabwe để dẫn dắt anh em”.
ÔngMnangagwa bác bỏ những cáo buộc, thề ông “chưa bao giờ nói lời điên khùng chống Tổng thống”.
Theo Newsweek, ông Mugabe làm Tổng thống Zimbabwe từ năm 1980, sau khi nước này độc lập khỏi Anh.
Năm 2013, ông Mugabe trúng cử nhiệm kỳ thứ bảy, nhưng cuộc bầu cử này xảy ra nhiều vụ bạo lực, cùng những cáo buộc gian lận lá phiếu.
Tổng thống Mugabe còn nổi tiếng về chuyện tổ chức sinh nhật hoành tráng, trong khi đất nước khó khăn khổ sở vì hạn hán và đói nghèo, bị siêu lạm phát dẫn đến việc hoảng loạn mua sắm nhu yếu phẩm để đầu cơ-tích trữ khiến giá sinh hoạt tăng “chọc trời”.
Hội cựu binh ủng hộ ông Mnangagwa, không ưa bà Mugabe
Ông Mnangagwa, 75 tuổi, từng cùng ông Mugabe chiến đấu thời chiến tranh du kích Zimbabwe những năm 1970, sau này làm chỉ huy tình báo,nên ông nhận được sự ủng hộ lớn của các cơ quan an ninh rất có quyền lực, và của Hội cựu binh Zimbabwe, một tổ chức từng nhiệt tình ủng hộ ông Mugabe.
Báo Newsweek nói cộng đồng quốc tế đánh giá ông là một sự bảo đảm chuyển giao quyền lực ổn định và áp dụng cải cách kinh tế.
Chris Mutsvangwa, Chủ tịch Hội cựu binh Zimbabwe, nói với các nhà báo tại Nam Phi ngày 9.11: ông Mnangagwa có thể dẫn dắt một chương trình “phục hồi dân chủ” ở Zimbabwe.
Nhưng ông Mutsvangwa xác định sẽ không có chuyện dùng vũ lực để lật đổ Mugabe, và Hội cựu binh sẽ lập một mặt trận chung với đảng đối lập Phong trào vì thay đổi dân chủ (MDC) trong cuộc bầu cử tổng thống 2018.
Ông nói: “Chúng tôi không muốn lạm dụng quân đội để giải quyết bất đồng chính trị. Chúng tôi không muốn họ trở thành người phán xử của quyền lực chính trị”.
Bà Grace từng đề nghị chồng bà công bố người kế nhiệm ưa thích của ông. Và ngày 5.11, bà cho biết rằng bà sẵn sàng tiếp nhận vai trò lãnh đạo của chồng: “Tôi đã nói với ông Mugabe: “Anh nên để em nhận lấy vị trí của anh. Anh đừng có sợ. Nếu anh trao nhiệm vụ cho em, thì hãy trao một cách tự do”.
Bích Ngọc (theo Guardian, Newsweek)