Quốc hội thông qua mức chi ngân sách trung ương năm 2018 hơn 948 ngàn tỉ

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:00, 15/11/2017

Quốc hội đã thông qua tổng số chi ngân sách trung ương cho năm 2018 là 948.404 tỉ đồng, trong khi tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2017 là 902.030 tỉ đồng.

Sáng 14.11, với hơn 82,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 với mức tổng chi cao hơn tổng thu.

Cụ thể, sau khi nghe giải trình, Quốc hội quyết định thông qua tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỉ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỉ đồng.Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỉ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, "trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, phải bảo đảm cân đối giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, thì cần có sự chia sẻ đồng thuận của các địa phương có tiềm lực kinh tế lớn".

Chiều cùng ngày, theo Nghị quyết về Phân bổ ngân sách trung ương năm 2018được Quốc hội thông qua với88,39% đại biểu tán thành thìtổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỉ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỉ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỉ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chính phủkhẩn trương phê duyệt các chương trình mục tiêu để phân bổ, giao vốn kịp thời cho các bộ, ngành, địa phương đúng quy định; phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả; có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn; cập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Trong giai đoạn 2018-2020, Chính phủ bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành.

Số 30% còn lại sẽ được bố trí cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc, thực hiện mua sắm tập trung một số danh mục cần trang bị thống nhất; điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Bên cạnh đó là các hoạt độngchỉ đạo cụ thể gồm:

Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước trước ngày 31/12/2017; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của luật Ngân sách nhà nước.

Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2018; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) để thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội này.

Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và HĐND, UBND các cấp.

PV

PV