Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: ‘Một bộ phận thị trường bất động sản đang bị lợi ích nhóm chi phối’
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:38, 15/11/2017
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà ghi nhận thị trường bất động sản Việt Nam từ năm 2013 trở lại đây đã từng bước hồi phục tích cực, đang trên đà phát triển ổn định.
Bộ trưởng chỉ ra các yếu tố như thanh khoản tăng ở hầu hết các phân khúc, giao dịch duy trì ở mức khá, cơ cấu hàng hóa bất động sản từng bước được điều chỉnh hợp lý, mặt bằng giá cả ngày càng ổn định… là những dấu hiệu cho thấy thị trường đang phục hồi và phát triển.
“Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua khó khăn, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành làm thay đổi lớn diện mạo các đô thị”, Bộ trưởng Hà nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ ra thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu minh bạch. Một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.
Bộ trưởng Hà cũng cho rằng nguồn vốn đầu tư kinh doanh bất động sản hiện nay chưa đa dạng, chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và huy động từ khách hàng, nguồn vốn sở hữu của chủ đầu tư còn thấp.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lớn sử dụng vốn vay ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết dẫn tới việc kiểm soát vay tín dụng đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn.
“Cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp, nhất là nhà ở xã hội”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đánh giá một số doanh nghiệp bất động sản triển khai một số dự án có quy mô sản phẩm hàng hóa chưa phù hợp với yêu cầu thị trường; năng lực tài chính, quản lý còn yếu kém dẫn tới dự án chậm tiến độ, lãng phí đất đai, nguồn lực. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Đặc biệt, tính minh bạch, công khai của thị trường bất động sản còn yếu. Việc triển khai Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản còn rất chậm.
Bộ trưởng Xây dựng chỉ rõ các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa kịp thời ban hành, hoàn thiện thể chế về thị trường bất động sản. Còn thiếu một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để điều tiết các nguồn lực phát triển bất động sản một cách công bằng, hợp lý và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng sự phát triển của một số loại hình bất động sản mới, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng… Việc bố trí vốn nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội thấp và chậm.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến tháng 10.2017 tồn kho bất động sản còn khoảng 26.000 tỉ đồng, giảm 16% so với tháng 12.2016.
Ông Ninh cho hay, trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, tại TP.HCM có hiện tượng tăng giá đất nền tại một số khu vực vùng ven như quận 2, quận 9, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ... (giá đất nền tăng từ 10-20%, có khu vực tăng giá 30-40%, cá biệt có nơi giá tăng lên đến 70% so với năm 2016 ).
Nguyên nhân cơ bản là hệ thống hạ tầng giao thông tại các khu vực trên đang phát triển mạnh; thông tin một số doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án lớn tại các khu vực này, một số khu vực nông thôn sẽ được đô thị hóa... Những thông tin này bị giới đầu cơ, những người môi giới lợi dụng đẩy giá đất nền lên cao.
Ông Ninh cũng cho biết thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển mạnh đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được phát triển theo xu hướng bán và cho thuê biệt thự nghỉ dưỡng, bán căn hộ khách sạn (condotel) theo thời hạn sử dụng đất được cho thuê (50 năm).
"Tình hình thực tế cho thấy, các dự án này được cấp phép xây dựng theo hình thức là căn hộ lưu trú, nhưng không được hình thành đơn vị ở", ông Ninh nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Ninh, trong thời gian tới, thị trường nhà ở trong ngắn hạn sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên một số phân khúc sản phẩm (đất nền, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ...) có thể có sự thay đổi nhất định về giá cả tại một số khu vực, địa phương; thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục pháp triển.
Hoài Phong