Startup ngành y tế: nhiều tiềm năng nhưng khó gắn kết với nhau
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:18, 16/11/2017
Theo thông tin tại Techfest Việt Nam 2017, Việt Nam có nhiều startup (doanh nghiệp khởi nghiệp)lĩnh vực công nghệ y tế như BookingCarer, Sức khỏe Việt, Homicare, ViCare Corp, OneLink, Manaphar... Những ứng dụng đó cung cấp đa dạng các giải pháp cho cả bệnh viện lẫn người bệnh từ phần mềm quản lý bệnh nhân online, ứng dụng đặt lịch hẹn khám trực tiếp với bác sĩ, ứng dụng theo dõi sức khỏe tự động, ứng dụng tư vấn dinh dưỡng dựa trên thể trạng người dùng...
Không dễ để thay đổi thói quen
Tham dự Techfest 2017, làng Công nghệ Y tế (Medtech) đã tổ chức các hội thảo: “Tiềm năng phát triển và thách thức đối với các startup lĩnh vực công nghệ y tế tại Việt Nam”, “Xu hướng chăm sóc sức khỏe trong tương lai”, “Xây dựng hệ sinh thái y tế hoàn chỉnh”.
Theo đó, bà Sandrine Ergon – Giám đốc kỹ thuật Vivosim cho rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế của của Việt Nam rất tiềm năng, rất dễ đưa công nghệ vào. Điều thuận lợi là đã có nhiều đổi mới trong chính sách, tư duy và cách ứng xử tại các cơ sở y tế của Việt Nam.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc, nhà sáng lậpEcomedicchia sẻ: “Qua trao đổi với nhiều chuyên gia nước ngoài, họ đều nhận định Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng, bởi tỷlệ sử dụng điện thoại thông minh rất nhiều, sự tiếp cận internet ngày càng tăng, do đó dễ dàng ứng dụng công nghệ, triển khai các giải pháp y tế dựa trên nền tảng mobile health đến từng người dân”.
ViCare là một trong những startup ở lĩnh vựcy tế - Ảnh: Internet
Bên cạnh những thuận lợi, ông Nguyễn Trần Đông - quản lý dự án startup Isofh cho biết các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ y tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các bệnh viện, giới thiệu sản phẩm, chào bán công nghệ. Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đang hoạt động với hệ thống riêng, rất khó để tích hợp các giải pháp công nghệ ở bên ngoài vào với nền tảng sẵn có tại cơ sở.
Cũng là startup trong lĩnh vực y tế, Công ty cổ phầnCông nghệ OneLink Việt Nam cung cấp thẻ khám bệnh thông minh với chức năng lấy số thứ tự khám tự động và thanh toán điện tử tại máy cũng gặp không ít khó khăn trongviệc mở rộngkhách hàng ở thị trường Hà Nội. Hiện, OneLink mới chỉ tiếp cận được 2 bệnh viện ở thủ đô.
Ngoài ra, một số startup trong lĩnh vực y tế cũng cho rằng việc thay đổi thói quen của một số bệnh viện như ghi chép vào sổ cùng với việc để các y bác sĩ thích nghi với việc sử dụng phần mềm, ứng dụng để quản lý hồ sơ bệnh nhân, thăm khám, đặt lịch chữa bệnh trực tuyến và thanh toán online dành cho người bệnh… cũng không đơn giản.
Khó kết nối các startup và những dịch vụ liên quan
Bên cạnh việc không dễ thay đổi thói quen truyền thống tại các bệnh viên, bà Tạ Thị Vân Anh,CEO của Isorasoft – startup trong lĩnh vực phần mềm quản lý bệnh viện nhận định: “Khởi nghiệp lĩnh vực y tế khó hơn những lĩnh vực khác. Khó nhất là việc làm thế nào để kết nối các startup, cũng như những dịch vụ liên quan”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh bổ sung, hiện các startup y tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như thị trường, định hướng ban đầu… đặc biệt chưa kết nối, gắn kết với nhau tạo thành một cộng đồng, một hệ sinh thái.
“Hệ sinh thái đó không chỉ là ứng dụng kết nối giữa bệnh nhân, phòng khám mà là một vòng tròn sinh thái kết nối chuỗi nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện. Trung tâm của vòng tròn sẽ là khách hàng. Tất cả các công ty cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực y tế đều kết nối vào hệ sinh thái đó, để cung cấp một giải pháp tổng thể cho cộng đồng”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo các diễn giả, tương lai của ngành y tế đang theo xu hướng là sự kết hợp giữa chẩn đoán vàsự cá nhân hóa. Trong thời gian tới, các diễn giả mong muốn đẩy mạnh việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực y tế, tăng cường kết nối, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để có thể cung cấp được giải pháp tổng thể cho cộng đồng.
Thu Anh