Chủ tịch Quốc hội Indonesia bỏ trốn, sợ bị bắt vì tham nhũng
Quốc tế - Ngày đăng : 15:38, 16/11/2017
Hiện không rõ ông Novanto ở đâu. Ông bị cấm xuất cảnh sau khi lệnh cấm có hiệu lực 6 tháng được ban hành hồi tháng 10. KPK đã kêu gọi ông Novanto đầu thú và cảnh báo: “Mọi người chớ nên nghĩ rằng luật pháp không thể rờ đến một số người nào đó”.
Sáng 16.11, luật sư Fredrich Yunadi nói ông Novanto không hề bỏ trốn: “Ông ấy không phải người hèn nhát, ông ấy chỉ không muốn bị cưỡng bức”.Luật sư còn nói sau khi ông Novanto nhận một cuộc điện thoại tối 15.11, một số người lạ đã đến nhà đón ông, từ đó ông không liên lạc với gia đình và đại diện pháp lý.
Theo hãng tin AP, khi cảnh sát và nhân viên KPK đến nhà riêng tối 15.11 để bắt ông Novanto, có lẽ chính khách này đã bỏ trốn, trong nhà chỉ có vợ ông và luật sư Yunadi. 2 giờ sáng 16.11, cảnh sátrời khỏi nhà với nhiều va li và các băng ghi hình kiểm soát an ninh của ngôi nhà.
Chủ tịch Quốc hội Novanto kiêm Chủ tịch đảng Golkar, là một đồng minh thân cận của chính phủ Tổng thống Joko Widodo. Nhưng hồi tháng 7, ông bị xếp là nghi can hàng đầu trong vụ đại án tham nhũng, bị nghi giữ vai trò chính trong vụ khai khống, “hét giá” dự án lập hệ thống thẻ căn cước điện tử để rút ruột ngân sách quốc gia với số tiền lên đến 2.300 tỉ rupiah (170 triệu USD) kể từ năm 2011.
Ông Novanto luôn phủ nhận tất cả các cáo buộc, và đã tìm mọi cách để tránh bị truy tố. Hồi đầu tuần này, ông Novanto phớt lờ một lệnh triệu tập của KPK, nói ông không việc gì phải đến trình diện, nếu không có văn bản chấp thuận của Tổng thống Widodo.
Hai ngày sau, KPK lại gửigiấy triệu tập (cho đến nay ông Novanto đã bị triệu tập ít nhất 11 lần) nhưng luật sư của ông Novanto gửi một bức thư 7 trang đến KPK, nói ông là một nghị sĩ cấp cao nên có quyền miễn trừ truy tố.
Người phát ngôn KPK nói họ chỉ còn mỗi cách ra trát bắt ông Novanto, sau khi đã cố gắng hết sức để thuyết phục ông chấp nhận giấy triệu tập vai trò một nghi can, và cũng là một nhân chứng.
Trong phiên xét xử hồi tháng 3.2017, hai công chức đã khai nhận ít nhất 37 quan chức có liên quan được hưởng lợi từ vụ khai khống để rút ruột kinh phí cấp cho dự án thẻ căn cước điện tử.Lúc đó, theo cáo trạng do KPK công bố, có hai quan chức Bộ Nội vụ (được giấu tên) và Bộ trưởng Tư pháp Yasonna Laoly, và ông Novanto.
Tổng thống Widodo đã kêu gọi người dân bình tĩnh và nói: “Tôi tin rằng KPK sẽ xử lý chuyên nghiệp”.
Các nhân viên KPK cũng nhiều lần bị dọa giết. Như ngày 11.4, điều tra viên cấp cao Novel Baswedan bị hai đối tượng đi trên một xe máy tạt a xít vào mặt ở gần gần nhà ông.
Ông Novel cho cảnh sát biết ông có cảm giác bị theo dõi nhiều ngày liền trước khi bị tấn công. A xít đã làm ông bị bỏng mặt, cổ và mất thị lực mắt trái.Tổng thống Indonesia đã gọi đây là “hành động tàn bạo”, yêu cầu Tổng thanh tra cảnh sát quốc gia Tito Karnavian phải sớm bắt được hung thủ.
Trong lúc điều tra vụ đại án hồi giữa năm 2016, khi ông Novel đang đi xe máy đến văn phòng KPK, ông đã bị một chiếc xe hơi cố tình tông vào, nhưng ông may mắn thoát chết.
Ngoài ra, điều tra viên thoát chết qua 6 vụ ám sát này cũng đứng đầu cuộc điều tra tham nhũng khác dẫn đến việc bắt giữ Tổng thanh tra cảnh sát giao thông Djoko Susilo.Theo cựu chủ tịch KPK Busyro Muqoddas, ông Novel sống sót sau 6 lần bị ám sát trong lúc làm việc cho cơ quan này.
Vĩnh Thụy (theo Guardian)