Thủ tướng yêu cầu kiểm tra dự án lấp sông Tiền xây công viên trái cây

Sự kiện - Ngày đăng : 20:01, 16/11/2017

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra thông tin phản ánh việc lấp sông Tiền xây dựng công viên trái cây tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Dừng dự án để xem xét đánh giá lại

Những ngày gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến việc UBND H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giangthi công dự án lấn bờ sông Tiền thuộc địa phận thị trấn Cái Bè để lấy mặt bằng làm khu công viên trái cây. Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng H.Cái Bè, dự án lấn sông Tiền có quy mô khoảng 9,78ha, nằm ở khu vực tiếp giáp ngã ba sông Tiền và sông Cái Bè, trong đó phần lấn sông có diện tích khoảng 6,8ha.

Nếu tính từ bờ sông hiện hữu thì khoảng cách mở rộng ra phía lòng sông Tiền trung bình là 110m, vị trí lấn ra xa nhất là 160m. Hiện tại dự án đã thi công gần hoàn chỉnh việc đóng cừ bờ kè bằng bê tông dự ứng lực và đang thực hiện rọ đá chân kè dài 800m, chuẩn bị bơm cát san lấp mặt bằng, dự kiến tổng lượng cát cần san lấp là hơn 695.000m3. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 350 tỉ đồng, trong đó riêng phần xây bờ kè lấn sông và san lấp mặt bằng là 160 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, số tiền còn lại UBND huyện kêu gọi đầu tư.

Ảnh đồ họa dự án - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Dự án lấn sông Tiền của UBND H.Cái Bè đã được “lên kế hoạch” trước đây 3 năm, với tên gọi “Dự án hạ tầng Khu dân cư - thương mại sông Tiền” có quy mô 9ha, do UBND H.Cái Bè làm chủ đầu tư. Nhưng đến tháng 10.2016 thì UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đổi tên dự án này thành Công viên trái cây và sang năm 2017 thì UBND H.Cái Bè cho triển khai thi công.

Theo đồ án, Công viên trái cây khi hình thành gồm có các hạng mục vườn cây ăn trái trồng xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn, ổi, bưởi lông Cổ Cò đặc sản Cái Bè, công viên cây xanh, khu thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe… Theo chủ đầu tư, việc chọn khu vực này để lấn sông xây công viên trái cây do nơi đây là vùng nước nông, độ sâu mực nước không quá 1,3m vào mùa khô, chế độ thủy văn hiền hòa, vận tốc dòng chảy êm, chỉ dao động từ 0,2-0,9m/giây.

Đầu tháng 11, UBND H.Cái Bè đã nhận được văn bản của Bộ TN-MT yêu cầu tạm dừng thi công dự án lấn sông Tiền lấy mặt bằng xây dựng khu công viên trái cây do UBND H.Cái Bè làm chủ đầu tư.

“Bộ TN-MT yêu cầu tạm dừng dự án để xem xét đánh giá lại nhiều yếu tố thì UBND huyện chấp hành tạm dừng thi công. Nhưng tôi xin nói rõ là trước khi triển khai dự án, UBND huyện đã thực hiện đầy đủ các quy trình pháp lý và đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường khi dự án hoàn thành. Dự án lấn sông Tiền xây công viên trái cây là cần thiết để phát triển du lịch của địa phương, tạo ra 1 điểm nhấn mới mẽ cho ngành du lịch”, ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND H.Cái Bènói.

Dù ông Thanh khẳng định trước khi triển khai dự án UBND H.Cái Bè đã thực hiện đầy đủ các quy trình pháp lý nhưng ngày 1.11 Bộ TN-MT đã có Công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng dự án lấn sông Tiền xây dựng Công viên trái cây, sau đó tiến hành rà soát lại công tác đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động của dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ bãi sông theo quy định.

Cù lao ở gần khu vực dự án lấn sông sắp biến mất do sạt lở - Ảnh: Thanh Anh

Cùng với đó, rà soát lại việc việc tuân thủ các quy định của pháp luật vềđất đai, môi trường và tài nguyên nước. Trước sự việc này, ông Thanh cho biết sẽ tiếp tục mời Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (đơn vị trước đây thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án) thực hiện việc đánh giá lại tác động môi trường đầy đủ, khách quan theo yêu cầu của Bộ TN-MT.

Hết đất hay sao mà phải lấn sông?

Sau khi có thông tin Bộ TN-MT yêu cầu tạm dừng dự án, anh Nguyễn Văn Vũ, tài công đò du lịch lâu năm ở Cái Bè, nói: “Tui nghĩ Bộ TN-MT chỉ tạm dừng dự án thôi, sau khi xem xét đánh giá xong sẽ cho tiếp tục thi công, chứ không lẽ phải dỡ bỏ hàng cừ bê tông trị giá tiền tỉ đã xây dựng gần như hoàn chỉnh? “Ván đã đóng thuyền rồi”, làm sao hủy dự án được?”.

Chủ đầu tư dự án lấn sông Tiền xây Công viên trái cây khẳng định khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã xem xét đến yếu tố thay đổi dòng chảy của con sông và khó có khả năng gây ra sạt lở ở các khu vực lân cận, đặc biệt là khu vực cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, H.Cai Lậy, Tiền Giang). Nhưng các nhà khoa học trong khu vực khẳng định sau khi dự án này hoàn thành thì dòng chảy sông Tiền nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng, 2 phía thượng - hạ lưu của dự án và phía cù lao Tân Phong có nhiều khả năng phải hứng chịu ảnh hưởng này mà cụ thể là tình trạng sạt lở bờ sông sẽ gia tăng.

Ông Trịnh Văn Nhiều (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) lo lắng dự án lấn sông phía Cái Bè sẽ làm thay đổi dòng chảy khiến bờ sông phía Tân Phong bị sạt lở nặng hơn - Ảnh: Thanh Anh

Ông Trịnh Văn Nhiều (67 tuổi, người dân ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, đối diện dự án lấn sông của H.Cái Bè) cho biết bờ sông ở khu vực này đang bị sạt lở rất nặng nề. Ông Nhiều kểtình trạng sạt lở bờ sông ở đây xảy ra đã nhiều năm, vườn cây ăn trái của ông đã bị sạt lở gần 1.000m2 xuống sông Tiền. Mặc dù ông Nhiều đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng thuê xáng cạp gia cố bờ sông nhưng cách nay 2 tháng tiếp tục bị sạt lở sâu vào bờ 20m, dài gần 100m, mất 1 căn nhà.

“Tui nghe nói cái dự án lấn sông đó sẽ làm thay đổi dòng chảy nên lo quá. Nếu nó chặn dòng bên đó, nước đạp hết qua đây thì khu này chắc chắn sẽ bị sạt lở nặng hơn, chắc tui phải dời nhà chạy tiếp”, ông Nhiều bày tỏ. Và nhiều người dân cho rằng, không lẽ vùng cây ăn trái phì nhiêu Cái Bè này hết đất hay sao, mà phải cho lấn sông Tiền để làm, bất chấp ảnh hưởng môi trường.

Theo anh Vũ, UBND huyện Cái Bè đầu tư xây dựng Công viên trái cây để phục vụ phát triển du lịch của địa phương, nhưng chưa biết sau khi dự án nảy hoàn thành thì người dân được hưởng lợi ích gì và chưa biết dự án có mang lại hiệu quả như mong muốn hay không.Bởi lẽ trước đây vào năm 2002, Tiền Giang bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, quyết tâm đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia diện tích 120.000m2 tại xã Hòa Khánh, vốn đầu tư lên đến gần 100 tỉ đồng, bao gồm chợ bán sỉ, lẻ trái cây lớn nhất vùng ĐBSCL, kho lạnh, siêu thị trái cây rộng 12.000m2, nhà hàng, khách sạn, bến cảng, ngân hàng, bưu điện…

Sau rất nhiều lần khai trương nhưng không thể hoạt động, thậm chí từng cho một“đại gia mắm” ở Bà Rịa-Vũng Tàu thuê mặt bằng mở siêu thị chuyên bán các loại mắm mà vẫn thất bại, hiện tại khu “chợ trái cây” hoành tráng nhất đồng bằng trở thành… trạm dừng chân của mộthãng xe khách.

Thanh Anh

Hùng Anh