Nga phủ quyết giải pháp của Mỹ, Mỹ bác bỏ đề xuất của Nga

Quốc tế - Ngày đăng : 07:24, 17/11/2017

Trong số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an tham gia bỏ phiếu, có 11 nước đã ủng hộ đề xuất của Mỹ, hai nước bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Ai Cập và 2 nước bỏ phiếu chống là Nga và Bolivia.

Cuộc điều tra của Liên hợp quốc LHQ về việc sử dụng vũ khí hoá học trong chiến tranh ở Syria sẽ chấm dứt sau khi Nga bác bỏ một giải pháp do Mỹ đề xuất trong việc gia hạn thời gian hoạt động cho Cơ chế Điều tra Chung (JIM).JIM là cuộc điều tra do LHQ và Tổ chức Ngăn chặn Vũ khí Hóa học (OPCW) khởi xướng vào năm 2015 và sẽ hết hạn vào lúc nửa đêm thứ Năm giờ New York (trưa nay giờ VN)

Trong số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an (UNSC) tham gia bỏ phiếu, có 11 nước đãủng hộ đề xuất của Washingtongồm Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Ukraine, Ý, Uruguay, Kazakhstan, Senegal, Ethiopia, Nhật, hai nước bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Ai Cập và 2 nước bỏ phiếu chống là Nga và Bolivia.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu, đại diện củaMỹ đã bày tỏ sự thất vọng. Bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại LHQ cho biết: "Đây là lần thứ 10 liên quan đến Syria, và lần thứ tư liên quan đến vũ khí hoá học, Nga đã tích cực cản trở khả năng xác định thủ phạm của các cuộc tấn công vũ khí hoá học". Thậm chí, bà còn bình luận: "Nga đã giết chết cơ chế điều tra chung" hay "Nga ra thông điệpchấp nhận việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria".

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng Hội đồng Bảo an phải gia hạn nhiệm vụ của JIM để đảm bảo chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad ở Syria "không thể giết người hàng loạt bằng vũ khí hóa học nữa".

Sau đó, Nga cũng đưa ra dự thảo riêng của họ về cải cách công việc của JIM, nhằm mục đích sửa "lỗi hệ thống" trong nhiệm vụ hiện tại của cơ chế. Theo RT, dự thảo của Nga chỉ được 4 nước ủng hộ là Nga, Trung Quốc, Kazakhstan và Bolivia.7 nước bỏ phiếu chống là Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Ukraine, Ý, Uruguay. Các nước châu Phi (Ai Cập, Senegal, Ethiopia), Nhật bỏ phiếu trắng.

Do các nước là thành viên thường trực Hội đồng bảo an có quyền phủ quyết, không tìm được tiếng nói chung nên rốt cuộc thì những đề xuất, giải pháp để xử lý khủng hoảng Syria vẫn không được thông qua.

Khi Nga và Mỹ có tiếng nói trái ngược thì tiếng nói của Trung Quốc sẽ được quan tâm. Có vẻ Trung Quốc nghiêng về quan điểm của Nga khi bỏ phiếu ủng hộ Nga và bỏ phiếu trắng với dự thảo của Mỹ.

Bình luận về quyết định của Trung Quốc khi bỏ phiếu trắng với đề xuất của Mỹ, Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc Wu Haitao, lưu ý rằng mặc dù bản dự thảo của Mỹbao gồm "những đề xuất tích cực nhất định" nhưng nó đã không "hoàn toàn đáp ứng các quan ngại của một số thành viên trong UNSC".

Trong khi đó, Nhật - một nước đồng minh truyền thống của Washington dù bỏ phiếu ủng hộ dự thảo của Mỹ nhưng cũng không ra mặt chống lại Nga khi bỏ phiếu trắng với đề xuất của Nga. Kazakhstan là nước duy nhất gật đầu với cả Nga lẫn Mỹ.

A.T

Anh Tú