'Ám ảnh' hình ảnh hộ pháp và vật linh ở làng quê Triều Tiên
Du lịch - Ngày đăng : 16:02, 19/11/2017
Lê Nguyên Dona là hướng dẫn viên, thường dẫn khách Việt đi nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... Anh cũng thường du lịch tự túc để khám phá những đất nước mới để phục vụ công việc và thoả mãn đam mê. Dưới đây là chia sẻ của Dona sau chuyến đi Triều Tiên.
Kết nối với thánh thần là một phần trong văn hóa của người dân Triều Tiên. Để liên lạc được với các vị thần, người dân khắc hình chim hoặc gương mặt ghê rợn trên những cây lớn trong làng. Bên cạnh đó, các cây này còn treo vải ngũ sắc và điều ước của người dân. Ba biểu tượng hộ pháp và vật linh tiêu biểu mà người dân đặt ở cổng làng là Sotdae, Jangseung, và Shinmok.
Sotdae: Những cây sào với những chú chim nhỏ
Sotdae là cây sào cao với hình tượng của những chú chim nhỏ trên đỉnh. Theo ghi chép cổ, Sodo - pháp sư hay thầy tế của những vùng đất thiêng, đã dựng cây sotdae như một biểu tượng của sự thiêng liêng bất khả xâm phạm trong suốt kỷ nguyên Samhan từ thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ ba. Sotdae sau đó trở thành biểu tượng đại diện cho những lời cầu nguyện của người Triều Tiên, với mong muốn được bảo vệ khỏi những linh hồn, ma quỷ xấu xa và có một mùa vụ bội thu. Chúng được dựng lên ngay trước cổng làng và những bao lúa được đặt bên cạnh trong suốt tháng 12 âm lịch hàng năm.
Những cây sào này biểu trưng cho lời cầu nguyện chân thành nhất của người dân. Biểu tượng chim, thường là vịt hay ngỗng, được cho là sứ giả của Trời và Đất. Một số sotdae khắc hình chú chim đang ngậm một con cá trong mỏ, thể hiện ước muốn của người dân tiếp sức thêm cho chú chim trong hành trình dài lên tận trời xanh.
Jangseung: Cột gỗ hay phiến đá có gương mặt người
Jangseung là những cột gỗ hay đá với gương mặt được khắc trên đó. Một số người cho rằng Jangseung là biến thể của sotdae hay seondol (phiến đá dựng), trong khi số khác cho rằng chúng đến từ tín ngưỡng thờ sinh thực khí nam (phallus). Nhìn chung tất cả đều là những biểu trưng của tín ngưỡng dân gian cổ xưa còn được gìn giữ trong xã hội Triều Tiên.
Jangseung khác nhau về hình dáng cũng như chất liệu ở mỗi địa phương. Ở những vùng phía nam, Jangseung thường được làm bằng đá và thể hiện gương mặt tròn, hiền lành và hài hước. Ngược lại Jangseung ở phía bắc thường được làm bằng gỗ với gương mặt dài, đôi mắt lớn và miệng rộng cho thấy sự giận dữ. Biểu cảm trên gương mặt Jangseung được cho là có nguồn gốc từ những chiếc mặt nạ truyền thống của Triều Tiên và dokkaebi là những con quỷ gây khiếp sợ, nhưng thân thiện trong chuyện cổ tích dân gian của người Triều Tiên.
Jangseung giống những cột vật tổ được tìm thấy trên khắp thế giới với nhiều mục đích khác nhau. Như Sotdae, chúng đóng vai trò là những vị hộ pháp của làng và được đặt ở cổng làng. Chúng cũng được tin là có thể giúp chữa khỏi bệnh tật. Khi có bệnh dịch, dân làng sẽ tiến hành những nghi lễ truyền thống xung quanh các trụ Jangseung nhằm cầu mong cả làng sẽ lại được bình an. Cuối cùng, trong vài trường hợp, Jangseung được đặt ở rìa làng và vệ đường để đánh dấu lãnh thổ và thể hiện khoảng cách giữa những ngôi làng.
Shinmok: Angten thông tin giữa Trời và Đất
Shinmok là những cây cổ thụ trong làng, cũng giống như cây đa đầu làng ở Việt Nam. Ghi chép về shinmok cổ xưa cũng được tìm thấy từ rất lâu trong Dangun Sinhwa, truyền thuyết dựng nước của Triều Tiên. Theo đó, một con gấu lớn với mong muốn biến thành người đã phải chịu đựng 100 ngày tu luyện trong hang tối không chút ánh sáng, chỉ ăn loại cỏ thơm được dùng phổ biến trong các món truyền thống có súp, salad và tỏi của người Triều Tiên. Sau khi tu luyện thành công, gấu biến thành một phụ nữ vô cùng xinh đẹp và kết hôn với Hwanung, con trai của thượng đế, dưới cây Sindansu, loài cây thiêng của vùng núi Taebaeksan. Hai người sau đó có với nhau một người con trai tên Dangun, người sáng lập ra Triều Tiên. Sindansu là một shinmok cổ xưa được xem như là ăng ten thông tin hay sợi dây kết nối Trời và Đất.
Đến ngày nay, shinmok cũng được biết đến với tên gọi Dangnamu và được thờ cúng linh thiêng. Chúng cũng được xem là hộ pháp của làng, cùng chung chức năng với sotdae và jangseung. Chúng được tìm thấy trên những ngọn núi hay cổng làng. Cây này thường được trang hoàng bằng những mẩu giấy trắng hay những lớp vải nhiều màu, xung quanh là sotdae và jangseung.
Người ta thường nhìn thấy shinmok ở lưng chừng núi hay trong làng với vải ngũ sắc quấn quanh, rất được dân làng tôn sùng. Cây shinmok của làng Hahoe ở Andong, Gyeongsangbuk-do, được cho là một trong những cây cổ xưa nhất tại Triều Tiên - hơn 600 năm tuổi. Ngày nay, cây shinmok thường có những mẩu giấy trắng ghi lại điều ước của du khách và người địa phương. Họ tin rằng những điều ước đó sẽ nhanh chóng được gửi đến Trời và sớm trở thành hiện thực.
Theo Lê NguyênDona/ Vnexpress