Phút cuối bể kèo, Tổng thống Zimbabwe thề không từ chức
Quốc tế - Ngày đăng : 06:25, 20/11/2017
Vị tổng thống 93 tuổi này đã được dự đoán sẽ tuyên bố từ chức Tổng thống, từ bỏ vai trò lãnh đạo chính phủ Zimbabwe, sau khi ông bị quản thúc tại gia suốt 5 ngày. Tuy nhiên, trên truyền hình, ông Mugabe phản đối việc từ chức và cho biết vẫn sẽ điều hành một hội nghị quan trọng của đảng Zanu vào tháng 12 tới đây. Nói tóm lại, ông Mugabe không chịu bỏ đi chức vụ nào trong đảng lẫn chính quyền.
Giữa tuần trước, quân đội Zimbabwe đã thực hiện một cuộc binh biến, duy trì tình trạng thiết quân luật tại thủ đô Harare và quản thúc ông Mugabe với giải thích rằng quân đội chỉ hành động để chống lại những phần tử tội phạm bên cạnh Tổng thống
Trong thời gian đó, hàng vạn người dân đã xuống đường biểu tình thể hiện thái độ đồng tình với hành động của quân đội. Điều này tạo áp lực lớn lên đảng cầm quyền Zanu ở Harare trong việc trục xuất ông Mugabe khỏi vai trò lãnh đạo. Bản thân các đảng viên trong đảng Zanu cũng bất bình trước việc ông Mugabe trục xuất nhiều thành viên cốt cán và họ cho rằng ông tìm cách dọn đường cho vợ lên làm Tổng thống sau này.
Chính vì vậy, đảng Zanu đã thực hiện một loạt động thái lấy lòng dư luận là tuyên bố sẽ hạ ông Mugabe khỏi vai trò lãnh đạo, trục xuất đệ nhất phu nhân Gracera khỏi đảng và bỏ phiếu bầu cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người bị Mugabe sa thải hôm 6.11, làm lãnh đạo đảng mới. Thậm chí, họ cũng đề cập khả năng ông Mugabe bị luận tội trong những ngày tới đây.
Tất cả đều tin rằng với sự phản ứng mạnh mẽ của quân đội, của người dân và thái độ rõ ràng của đảng Zanu thì ông Mugabe đã ở chân tường và phải ra đi. Thế nhưng, ông Mugabe có vẻ đã chuyển nguy thành an một cách ngoạn mục. Trên truyền hình, ông Mugabe tuyên bố Zimbabwe cần "trở lại bình thường". Dù thừa nhận một số lời chỉ trích nhưng ông Mugabe không hề nói đến việc từ chức.
Các tướng lĩnh đứng rất cung kính trong phủ tổng thống Zimbabwe- Ảnh chụp màn hình
Đứng bên cạnh các tướng lĩnh - những người đứng đằng sau vụ binh biến hôm thứ Tư vừa qua, ông Mugabe tuyên bố: "Bất kể những ưu và nhược điểm trong cách họ [quân đội] tiến hành vừa qua, tôi, trong vai trò tổng tư lệnh, thấu hiểu tâm tưcủa họ".
Ông nói thêm: "Chúng ta phải học cách tha thứ và giải quyết những mâu thuẫn thực sự hoặc những hiểu lầm theo cách của người Zimbabwe". Ông Mugabe cũng khẳng định: "Đại hội đảng (Zanu) sẽ đến sau vài tuần tới đây và tôi vẫn sẽ chủ trì các sự kiện".
Cần lưu ý, bài phát biểu được ông Mugabe đưa ra sau cuộc họp với các tướng lĩnh nên nhiều khả năng nó phải được các tướng gật đầu trước khi xuất hiện trên truyền hình. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy các tướng lĩnh bỗng có thái độ thỏa hiệp sau khi chính họ thực hiện binh biến. Khi các tướng lĩnh đứng quanh Tổng thống một cáchngoan ngoãn thì rất khó để nghĩ cảnh ông Mugabe bị luận tội trước quốc hội và từ chức.
Nhưng nhìn theo cách tích cực thì có thể nghĩ theo hướng rằng quân đội đã hài lòng sau khi dẹp được các phần tử lũng đoạn bên cạnh ông Mugabe và để ông chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho người xứng đáng thay vì bà vợ. Chỉ có cách đó mới giúp vị trí của các tướng không bị xáo trộn, tránh cảnh đổ máu.Chính vì vậy, họ phải thỏa hiệp.
Hôm 16.11, ông Mugabe đã tiếp xúc với giới quân đội chỉ huy vụ binh biến với sự chứng kiến của đặc phái viên của Nam Phi được cử tới thủ đô Harare làm trung gian hòa giải. Theo một nguồn tin trong quân đội Zimbabwe nói với Sky News thì Tổng thống Mugabe không muốn từ chức bất chấp việc quân đội đã tiến hành chính biến và thâu tóm toàn bộ quyền lực. Tuy nhiên, hai bên đã thỏa hiệp những gì trong các cuộc tiếp xúc đó thì không được báo chí tiết lộ trước khi ông Mugabe lên truyền hình tuyên bố không từ chức.
A.T