Argentina không xác định được tín hiệu vệ tinh từ tàu ngầm mất tích
Quốc tế - Ngày đăng : 11:25, 20/11/2017
Trước đó Bộ Quốc phòng công bố họ phát hiện được 7 cuộc gọi vào sáng và trưa 18.11, kéo dài 4 - 36 giây. Các quan chức bộ này vẫn đang cố xác định xem các tín hiệu vệ tinh có phải là của tàu ngầm mất tích phát đi hay không.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin tham gia tìm kiếm, 7 cuộc gọi vệ tinh không giúp ích gì cho cuộc tìm kiếm. Các cơ quan chức năng đã dành cả ngày 19.11 để tìm vị trí tàu ngầm thông qua các tín hiệu vệ tinh nhưng vô ích.
Trang Reuters dẫn lời ông Gabriel Galeazzi, một chỉ huy hải quân Argentina, cho biết: “Chúng tôi đã phân tích các tín hiệu rất yếu và gián đoạn. Chúng không thể giúp xác định vị trí trên bản đồ để hỗ trợ công tác tìm kiếm”.
Iridium Communications Inc (Iridium), công ty truyền thông vệ tinh Mỹ hỗ trợ phân tích 7 cuộc gọi vệ tinh, còn cho hay tín hiệu vệ tinh không bắt nguồn từ thiết bị mà công ty này cung cấp cho tàu ARA San Juan và là từ thiết bị liên kết vệ tinh của một công ty khác.
Theo Iridium, cuộc gọi vệ tinh cuối cùng mà tàu ARA San Juan dùng thiết bị của công ty này để gọi là vào ngày 15.11, ngày mà chính quyền Argentina thông báo tàu đã mất tích. Hải quân Argentina suy đoán có thể tàu đã gặp sự cố điện, nên khả năng liên lạc bị hạn chế.
Bảy nước cùng hợp tác tìm kiếm
Trang Los Angeles Times cho biết hàng chục tàu và 7 máy bay đến từ 7 nước đã tham gia tìm kiếm tàu ngầm mất tích trong điều kiện thời tiết xấu ngày 19.11, với sóng to và gió lớn. Các nước đã lập một trung tâm chỉ huy công tác tìm kiếm tại thành phố Comodoro Rivadavia.
Theo ông Enrique Balbi, người phát ngôn của Hải quân Argentina, 80% diện tích của vùng được xác định có khả năng tìm thấy tàu ARA San Juan đã được tìm kiếm, nhưng không phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào của tàu. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn vẫn được đảm bảo có đủ lương thực và oxy.
Ông Balbi cũng cho biết hiện đã có ba tàu được trang bị đầu dò radar đi theo lộ trình của ARA San Juan trước khi mất tích, xuất phát từ cảng Mar del Plata đến điểm mất liên lạc và ngược lại. Đầu dò có khả năng quét đáy biển và phác họalại bằng hình ảnh 3D.
Lực lượng tìm kiếm chính là hải quân Argentina với hàng chục tàu và 5 máy bay. Sáu nước khác gồmMỹ, Anh, Brazil, Chile, Uruguay và Nam Phi cũng tham gia hỗ trợ.
Phía Mỹ đã cử một máy bay P-3 Orion và hai máy bay P-8A Poseidon đến Argentina hỗ trợ, trong đó một chiếc P-8A vừa được triển khai vào ngày 19.11, theo Los Angeles Times.
Với nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm, P-3 Orion được trang bị rất nhiều thiết bị trinh sát hiện đại như thiết bị phát hiện điểm từ trường bất thường (MAD) có thể quét được một vùng rộng 300 - 400m. Tuy nhiên, khả năng của P-3 Orion cũng bị hạn chế nếu tàu lặn khá sâu.
Trong khi đó, P-8A Poseidon là máy bay chống ngầm hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị radar AN/APY-10 cho phép phát hiện, phân loại và nhận diện tàu chiến ở trạng thái tĩnh, tàu cỡ nhỏ, tàu ngầm nổi trên mặt nước, tàu thuyền di chuyển tốc độ cao ở vùng ven biển.
Bên cạnh đó máy bay còn có thiết bị quét hình ảnh độ phân giải cao có thể phát hiện được kính tiềm vọng của tàu ngầm, cũng như mang theo các phao thủyâm để thả xuống vùng nghi ngờ tàu ngầm đối phương đang hoạt động, theo trang Clarín Sociedad.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ ngày 19.11 cho biết sẽ hỗ trợ thêm buồng cứu hộ tàu ngầm (SRC-một lần mang được 6 người, có thể lặn sâu đến 259m) và hệ thống lặn tìm dưới biển điều khiển từ xa (PRM- lặn sâu đến 609m, một lần cứu được 16 người).
Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã cử tàu tuần tra HMS Protector đến tham gia tìm kiếm và cứu hộ theo yêu cầu của Hải quân Argentina. Tàu Protector được trang bị hệ thống định vị thủy âm hiện đại có thể phát hiện các mục tiêu dưới mặt nước. Đi cùng với HMS Protector là máy bay vận tải Hercules.
Tàu ARA San Juan mang theo thủy thủ đoàn 44 người. Thân nhân các thủy thủ đang tập trung tại căn cứ hải quân Mar del Plata để chờ đợi và cầu nguyện, Reuters cho hay.
ARA San Juan là loại tàu ngầm điện-diesel lớp TR-1700 do Đức chế tạo cho Hải quân Argentina. Tàu ngầm được đưa vào hoạt động từ năm 1985 và từng được đại tu lớn vào các năm 2008 và 2013. Tàu có lượng choáng nước khi lặn đạt 2.336 tấn
Cẩm Bình (theo Los Angeles Times, Reuters, Clarín Sociedad)