Máy bay Trung Quốc tuần tra quy mô lớn quanh Đài Loan
Quốc tế - Ngày đăng : 12:23, 13/12/2017
Theo ông Thân, một số chiếc đã bay qua eo biển Bashi (Ba Sĩ) nằm giữa Đài Loan và Philippines và eo biển Miyako nằm gần đảo Okinawa của Nhật Bản. Những máy bay còn lại bay tuần tra quanh Đài Loan.
Những máy bay tham gia tập trận được huy động từ các bộ tư lệnh quân khu miền Đông và quân khu miền Nam, bao gồm máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K, chiến đấu cơ Su-30 và J-11, các máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu.
Người phát ngôn Thân cho biết: “Đội ngũ tập trận, trong đó có máy bay H-6K thế hệ mới nhất, đã tăng cường tính lưu động và khả năng chiến đấu của không quân trên vùng biển khơi”. Ông khẳng định sắp tới không quân nước này sẽ mở rộng phạm vituần tra.
Cuộc tập trận ngày 11.12 diễn ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốcđiều động hàng loạt các máy bay tới “những lộ trình bay chưa từng thực hiện, những khu vực chưa từng bay qua trong quá khứ” ở Hoàng Hải và biển Hoa Đông tập trận.
Ông Phùng Thế Khoan, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan, trong ngày 12.12 cho biết chính quyền Đài Bắc đã điều động các máy bay và tàu giám sát cuộc tập trận vừa rồi của không quân Trung Quốc. Lực lượng giám sát không phát hiện điều gì bất thường.
Các nhà bình luận cho rằng cuộc tập trận là lời cảnh báo chính quyền Bắc Kinh gửi tới Đài Loan, cho biết họ sẽ không chấp nhận bất kỳ động thái nào nhằm “đòi độc lập” cho hòn đảo này. Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.
Theo ông Chu Thần Minh, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh: “Tập trận gần Đài Loan chủ yếu là nhằm cảnh báo đảng Dân Tiến(DPP) đang cầm quyền vốn luôn xem nhẹ sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và cũng là lời nhắc nhở cho người dân Đài Loan”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết trong năm qua, Trung Quốc đã cho tiến hành không ít cuộc tập trận không quân và hải quân gần Đài Loan. Vào tháng 7 vừa qua, một nhóm tàu do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu trên đường đến Hồng Kông đã tiến vào eo biển Đài Loan. Đây được xem là động thái phô diễn sức mạnh trong bối cảnh quan hệ hai bờ tệ đi kể từ khi bà Thái Anh Văn, người đứng đầu DPP, lên làm lãnh đạo Đài Loan.
Vào cuối tuần trước, ông Lý Khắc Tân, công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, đã cảnh báo: “Ngày tàu chiến Mỹ cập cảng Cao Hùng sẽ là ngày quân đội Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng sức mạnh quân sự”. Phát biểu của ông Lý được đưa ra nhằm phản ứng lại quyết định cho phép tiến hành các cuộc thăm cảng song phương giữa tàu chiến Mỹ và Đài Loan của Quốc hội Mỹ vào tháng 9.
Theo ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự và nhà bình luận của đài Phượng Hoàng, cuộc tập trận ngày 11.12 đã giúp chứng minh Trung Quốc có khả năng phá vỡ “chuỗi đảo thứ nhất”, một hệ thống gồm nhiều đảo nằm giữa lục địa Trung Quốc và Tây Thái Bình Dương được Mỹ dùng để kiềm chế Bắc Kinh kể từ thời Chiến tranh lạnh. Khái niệm này được nhà ngoại giao Mỹ John Foster Dulles đề cập lần đầu năm 1951.
Ông Tống cho biết: “Eo biển Bashi và Miyako đều là những lối đi chính để hải quân và không quân Trung Quốc tiếp cận Tây Thái Bình Dương. Những chuyến bay thường xuyên của máy bay nước này giúp tăng hiện diện ở khu vực và thể hiện khả năng chiến đấu ngày càng tăng”.
Ngoài ra, theo SCMP, với tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay thì cuộc tập trận còn là sự chuẩn bị cần thiết của Bắc Kinh trong trường hợp một cuộc xung đột hạt nhân nổ ra.
Ông Lương Quốc Lương, nhà quan sát quân sự tại Hồng Kông, nhận định: “Tuy Trung Quốc đang thúc đẩy một giải pháp hòa bình, nhưng cơ hội cho hòa bình và chiến tranh trong tình hình hiện nay là ngang nhau. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, các lực lượng thuộc nhiều quân khu khác nhau của quân đội Bắc Kinh sẽ tập trận nhiều và thường xuyên hơn”.
Cẩm Bình (theo SCMP)