Dân chờ đợi việc thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:46, 21/11/2017
Trong phiên thảo luận hôm này tại hội trường về dự Luật Phòngchống tham nhũng sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằngviệc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn có nguyên nhân do pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng, tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
Theo vị này, thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉkỷ luật đối với chính người kê khai (khiển trách, cảnh cáo, thậm chí, cách chức) chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.
Do đó, muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn. Nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án.
“Một trong những kỳ vọng của cử tri đặt ra đối với việc sửa luật lần này đó là phải giải quyết được vấn đề nêu trên. Trong khi dự thảo luật vẫn đang để ngỏ khả năng này”, bà Thủy nêu.
Bà Thủy cho rằng tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu mới bị phát hiện. Do đó, nếu như không có các thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên các khuôn khổ pháp lý thông thường thì sẽ không thể xử lý được.
“Ngay chính các quốc gia được xem là mô hình đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả cũng không hy vọng sẽ thu hồi được 100% số tài sản tham nhũng. Vì vậy, trách nhiệm giải trình và biện pháp chế tài áp dụng trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đã được các quốc gia đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”, bà Thủy nêu.
Dẫn trường hợp của Trung Quốc, bà Thủy cho biếtbất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn thì đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu. Ngoài ra còn có thể bị phạt tù đến 5 năm.
Các chuyên gia của Trung Quốc cho biết là việc đặt ra các quy định nêu trên là để thực hiện mục tiêu bằng mọi giá người có hành vi tham nhũng phải trả lại tất cả những gì mà họ đã chiếm đoạt của nhà nước và nhân dân. Việc thu hồi tài sản tham nhũng rất triệt để, khi thu là thu cả đồng hồ, bút máy đắt tiền.
Đối với kinh nghiệm của Singapore, nước này không chỉ ban hành luật riêng về chống tham nhũng mà Singapore còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng. Trong đó có các quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo bà Thủy, thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp là vấn đề mới và rất khó với Việt Nam, song đây là sự chờ đợi của người dân. Các nước trên thế giới đã và đang phải trải qua những khó khăn như Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng nhưng cũng đã tự tìm ra cho mình những cơ chế để thu hồi sớm tài sản tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) đề nghị khi phát hiện hành vi tham nhũng thì cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra. Đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả tội phạm tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần xác định trách nhiệm cơ quan thanh tra, kiểm toán nếu không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra, nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tội phạm tham nhũng nghiêm trọng
Nêu ý kiến, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết có tình trạng tài sản được đưa về cho những người thân thích, thậm chí những người không thân thích gì cả nhưng vẫn có thể được chuyển giao những tài sản tham nhũng, giữ hộ.
“Tôi đề nghị nên đưa tài sản bất minh vào. Những gì liên quan đến khu vực tư cũng phải đưa vào vì thực tế hiện nay tư và công cùng đang câu kết để tham nhũng”, ông Nghĩa nói.
Còn theo ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai), nếu nói tham nhũng là “căn bệnh, chúng ta đang muốn có một thang thuốc đặc hiệu, nhưng xu thế hiện nay tôi cảm thấy chúng ta đang pha loãng ra, làm mất đi hiệu lực thực sự”.
“Ví dụ, tôi có rất nhiều tài sản bất minh, nhưng nếu nó không phải ăn cắp của nhà nước thì làm sao gọi là tài sản tham nhũng được? Cho nên phải quy tham nhũng gắn liền với quyền lực và phương hại đến công quỹ. Nếu không phải là công thì không phải tham nhũng, là bệnh khác, nếu không có quyền thì không thể tham nhũng được”, ông Quốc nói.
Theo vị này, phòng, chống tham nhũng tập trung vào những người sử dụng quyền lực đểtư lợi cho mình thì điều đó mới là tham nhũng. Chuyện minh bạch tài sản là chuyện rất cần thiết của xã hội hiện đại, áp dụng cho tất cả mọi người ở các nước. Chúng ta chưa làm thì bây giờ chúng ta phải làm từng bước, không phải công chức chỉ là một đối tượng riêng phải làm, mọi người dân đều phải làm, mọi nguồn thu nhập đều phải làm.
Nói về kê khai tài sản, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng lâu nay cho thấy bảng kê khai tài sản mới chỉ công khai trong nội bộ nên tính minh bạch không cao.
Do đó, luật lần này nên sửa đổi theo hướng là bảng kê khai tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai, minh bạch trước nhân dân, trước hết tại nơi cư trú hợp pháp và nơi công tác thường xuyên của người kê khai.
Hoài Phong