Úc xem xét việc kinh doanh dữ liệu sinh trắc của công dân
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:54, 28/11/2017
Một thỏa thuận về việc thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia về nhận dạng khuôn mặt đã được ký kết giữa chính phủ Úc, các tiểu bang và vùng lãnh thổ vào tháng trước.
Tới thời điểm đó, 50% người Úc đã được nhận dạng khuôn mặt và sắp tới, tỷ lệ này dự kiến đạt 85%. Mục đích chính của việc tạo cơ sở dữ liệu được coi là an ninh quốc gia, kể cả việc giảm số lượng tội phạm liên quan đến gian lận trong lĩnh vực nhận dạng.
Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà bảo vệ nhân quyền đã bày tỏ mối quan ngại về việc sử dụng cơ sở dữ liệu vào mục đích thương mại vì chưa quy định rõ ràng về các cơ chế giám sát và minh bạch.
Mặc dù chính phủ quả quyết rằng các công ty sẽ chỉ có thể sử dụng các dữ liệu sinh trắc của một công dân khi người đó đồng ý, nhưng điều này vẫn chưa đủ. Vì vậy, khái niệm "tự nguyện" sẽ rất ước lệ, còn nếu từ chối sẽ dẫn đến việc tước quyền tiếp cận các dịch vụ quan trọng.
Cũng có khả năng chương trình trên sẽ khuyến khích các công ty tạo ra cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của riêng mình mà chính phủ thậm chí còn khó kiểm soát hơn.
Các cơ quan hữu quan Úc hiện đang thảo luận về việc sử dụng thương mại cơ sở dữ liệu với một số nhà khai thác viễn thông lớn. Một cơ chế tương tự được sử dụng ở Cơ quan xác minh tài liệu, một dịch vụ mở dành cho các công ty tư nhân từ năm 2014. Dịch vụ này được sử dụng để kiểm tra thông tin về giấy phép lái xe, thẻ nhập cư, hộ chiếu, bảo hiểm y tế...
Các công ty trả tiền cho mỗi hoạt động dịch vụ của chính phủ.Năm 2016, số lượng các hoạt động như vậy lên đến 15.500.000 vụ, chủ yếu là các yêu cầu từ các công ty viễn thông. Theo các quan chức, số tiền thu đủ để tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực an ninh. Chính phủ hy vọng việc thương mại hoá cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt sẽ mang lại lợi nhuận.
Ngoài các công ty viễn thông, ngành tài chính cũng quan tâm đến sáng kiến mới. Cơ sở dữ liệu sẽ cho phép các công ty tài chính đối phó với các lỗ hổng trong hệ thống tài chính cũng như chống lại nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Tuy nhiên, dân Úc không chắc chắn rằng chính phủ có thể lưu trữ và bảo vệ thông tin một cách đầy đủ để chống lại nạn trộm cắp hoặc lạm dụng. Vụ rò rỉ hàng loạt thông tin cá nhân gần đây từ công ty Equifax, dẫn đến việc tiết lộ dữ liệu của hơn 143 triệu người Mỹ, khiến mọi người không mấy nhiệt tình với dự án sử dụng cơ sở dữ liệu sinh trắc vào mục đích thương mại.
Trong khi đó Trung Quốc cũng đang tích cực thu thập dữ liệu sinh trắc của người dân, tập trung chủ yếu vào thu thập giọng nói.
Vũ Trung Hương