Đêm vô thức bản địa: Giới thiệu dàn nhạc dân tộc bản địa đầu tiên tại Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 13:57, 28/11/2017
"Đêm vô thức bản địa" được coi là một chương trình hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tại đây sẽ giới thiệu các tiết mục biểu diễn của 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ từ các dân tộc trên khắp cả nước. Cùng với đó là sự xuất hiện nhiều nhạc cụ dân tộc mới lạ, đặc sắc như: Đàn đó, đàn môi, kèn lá, đàn goong, trống Gineng, trống Paranưng, cho âm thanh bản địa nguyên sơ, cũng như những làn điệu, bài ca được hát lên đầy tâm tư, tình cảm.
Để tổ chức “Đêm vô thức bản địa” và kiến thiết dàn nhạc Seaphony, trong năm 2017, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, nhạc sĩNguyễn Mạnh Tiến, cùng các nghệ sĩ, cộng sự tâm huyết đã đi đến các bản làng miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, đến với buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, Hmông, Lào, M’nong, Ede, Jarai, Sê Đăng...
Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý giới thiệu về "Đêm vô thức bản địa"
Theo nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý - Nhà sáng lập vàgiám đốc dự án S.E.A Sound, chương trình nghệ thuật “Đêm vô thức bản địa”, giới thiệu Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony, thuộc dự án S.E.A Sound - Giai đoạn 1 tại Việt Nam 2017. Trước đó, lần lượt “Đêm vô thức Tây Bắc” (31.3), “Đêm vô thức Tây Nguyên” (30.6) và “Đêm vô thức Chăm” (30.9) đã diễn ra tại Phù Sa Lab để giới thiệu khí nhạc tiêu biểu của từng vùng miền qua các tiểu phẩm thể nghiệm. Các “Đêm vô thức” trên đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng như đông đảo khán giả đến theo dõi.
Dự án S.E.A Sound, khởi nguồn và dẫn dắt bởi nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, được kiến thiết với tầm nhìn lâu dài nhằm xây dựng một cộng đồng thưởng thức, biểu diễn, sáng tác, và phát triển âm nhạc bản địa các nước Đông Nam Á, với các nhạc cụ đặc trưng được chế tác chủ yếu từ tre nứa cùng các bộ cồng chiêng. Xây dựng Seaphony là một bước quan trọng trong lộ trình hoạt động của dự án.
Các nghệ sĩ chính là những người dân thuộc các vùng dân tộc lần đầu tiên tham gia biểu diễn một chương trình lớn dành cho cộng đồng
Trong các năm tới, dự án SEA Sound sẽ mở rộng kết nối và kêu gọi sự tham gia của các nhạc sĩ, nhạc công và nhạc khí từ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, từng bước xây dựng một cộng đồng ngày càng rộng mở, chia sẻ đam mê âm nhạc dân tộc, mang các âm sắc bản địa Asean ra thế giới.
Đồng hành cùng Dự án SEA Sound là Lune Production được sáng lập năm 2012 tại Sài Gòn với hoài bão truyền tải các giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Lune Production chú trọng vào công tác nghiên cứu, sáng tạo, phát triển và quảng bá những tác phẩm nghệ thuật giải trí về văn hoá Việt Nam, và cộng tác cùng những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới với tài năng, sự chuyên nghiệp và đam mê văn hoá bản địa.
Lune Production hiện đang tổ chức trình diễn thường xuyên các tác phẩm: À Ố Show, Làng Tôi, Sương Sớm và Teh Dar. Cả bốn tác phẩm đều tạo được tiếng vang và nhận được sự tán thưởng từ khán giả trong và ngoài nước, đặc biệt là trong quá trình À Ố Show và Làng Tôi biểu diễn tại Nhà Hát Thành Phố Hồ Chí Minh, Nhà Hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam và lưu diễn quốc tế.
Việc giới thiệu dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony trong chương trình nghệ thuật "Đêm vô thức bản địa" thuộc dự án S.E.A Sound - Giai đoạn 1 tại Việt Nam 2017.
Bài và ảnh: Dạ Thảo