Lý và tình từ một vụ cưỡng chế xây dựng trái phép của một gia đình chính sách
Sự kiện - Ngày đăng : 16:44, 28/11/2017
Chuyện bình thường ở phường
Theo thông tin đã đăng tải trên một tờ báo thì sự việc có thể được tóm tắt như sau:
“Ngày 22.9.2017, UBND P.Trường Thọ cho cưỡng chế, phá dỡ ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị Chiểu (85 tuổi) tại địa chỉ 59, đường số 11, khu phố 2, P.Trường Thọ làm nhiều người dân không đồng tình. Bởi họ cho rằng, chính quyền địa phương nơi đây xử lý vụ việc chưa thấu tình đạt lý, quá bất công đối với bà mẹ liệt sĩ đã ở cái tuổi gần đất xa trời.
Điều vô lí mà gia đình cụ Chiểu cảm thấy đau lòng đó là, trong thời gian thi công, đại diện chính quyền địa phương nhiều lần lên xuống kiểm tra nhưng chưa một ai nhắc nhở hay có một biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính chính nào liên quan đến việc sửa chữa, cải tạo lại căn nhà...”.
Trong toàn bộ nội dung bài viết được phản ánh trên báo, không có nội dung nào phản ánh việc chính quyền địa phương đã vi phạm pháp luật qua hành vi cưỡng chế, chỉ tập trung xoay quanh, phản ánh về việc: Gia đình bà Nguyễn Thị Chiểu là gia đình chính sách; trong quá trình xây dựng UBND P.Trường Thọ đã có người xuống kiểm tra nhưng lại để đến khi làm xong mới thực hiện cưỡng chế.
Và như thế, vấn đề chính quyền địa phương là sai pháp luật đã hoàn toàn bị loại bỏ, điều còn lại là chính quyền địa phương có làm “thấu tình đạt lý” hay không?
Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã xuống UBND P.Trường Thọ tìm hiểu sâu hơn về vụ việc.Tại đây, bà Cù Thoại Vy, Phó chủ tịch UBND, phụ trách mảng Trật tự đô thị và Xây dựng cho biết:
“Năm 2015, ông Hậu làm thủ tục xin phép xây dựng lại căn nhà gia đình đang cư ngụ tại số 59 đường 11, KP2, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Đồng thời, ông cũng xin dựng tạm nhà tôn bên phần đất đối diện nhà để chứa vật tư trong khi sửa chữa, cải tạo nhà. Ngày 23.9.2015, UBND P.Trường Thọ đã ra quyết định chấp thuận cho ông Hậu thực hiện các việc trên.
Đến ngày 20.11.2015, UBND P.Trường Thọ nhận được đơn thưa của ông Nguyễn Văn Sang, bà Phạm Lan Anh, bà Thái Thị Bích Phượng, bà Trần Kim Chi, ông Nguyễn Văn Ảnh... phản ánh về việc ông Hậu xây dựng lấn chiếm hẻm 59, gây khó khăn cho việc lưu thông ra vào của các hộ dân sinh sống trong hẻm 59. Cụ thể một phần nội dung đơn thư: “Căn nhà số 59 đường số 11 đang thi công lấn chiếm đường hẻm. Chúng tôi vô cùng bức xúc và đã nhiều lần liên hệ với chủ nhà đề nghị tháo dỡ để khắc phục sự việc, nhưng chủ nhà liên tục tránh né không chịu hợp tác”.
Kể từ ngày nhận đơn thư khiếu nại của các hộ dân hẻm 59 (ngày 20.11.2015) đến tháng 9.2017, đã nhiều lần UBND P.Trường Thọ tổ chức họp dân để giải quyết sự việc, đồng thời vận động ông Hậu khắc phục vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản nhưng không có kết quả”. Do vậy, UBND P.Trường Thọ mới thi hành việc cưỡng chế phần sai phạm trong xây dựng của gia đình ông Hậu.
Ai đúng ai sai?
Căn cứ từ những tài liệu thu thập và diễn tiến của toàn vụ việc thì vẫn có hai vấn đề cần làm rõ là:
(1) Gia đình ông Hậu vi phạm trong việc xây dựng, P.Trường Thọ có biết hay không? Tại sao không xử lý ngay từ đầu khi vụ việc mới diễn ra?
Từ các tài liệu UBND P.Trường Thọ cung cấp thì, sau khi nhận đơn xin cải tạo, sửa chữa nhà số 59, đường số 11, P.Trường Thọ của ông Nguyễn Đình Kiến Hậu, UBND P.Trường Thọ có Văn bản số 661/UBND (ngày 23.9.2015), chấp thuận cho ông Hậu sửa chữa, cải tạo nhà theo hiện trạng với diện tích ngang 3,2m, dài 14,81m.
Căn cứ Nghị định số 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND, 27/14/QĐ-UBND của UBND TP.HCM thì ông Hậu được nâng nền; nâng mái, thay mái; thay sàn bằng vật liệu nhẹ lắp ghép hợp chuẩn; xây lại vách nhưng không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và an toàn công trình; không được xây mới.
Thế nhưng, khi thực hiện cải tạo, sửa chữa ông Hậu đã tự ý tăng diện tích bằng việc nâng tầng cho căn nhà. Đồng thời, ông Hậu còn xây dựng thêm phần tường rào kiên cố phía trước nhà, thuộc phần đất không được công nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi tiến hành kiểm tra thì tất cả các vi phạm xây dựng của ông Hậu, UBND P.Trường Thọ có lập biên bản vi phạm để làm cơ sở. Cụ thể, ngày 16.5.2016, UBND P.Trường Thọ lập biên bản phần diện tích nâng tầng 38,39m2; ngày 30.5.2016, UBND P.Trường Thọ lập biên bản diện tích xây dựng phía trước nhà với diện tích 6,38m2.
Như vậy, UBND P.Trường Thọ có biết gia đình ông Hậu sai phạm và có lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, UBND phường đã không tiến hành ngăn cản, cưỡng chế ngay tại thời điểm mà tiến hành vận động, họp dân trao đổi về vụ việc.
(2) UBND P.Trường Thọ cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm xây dựng của một gia đình chính sách là nhà bà Nguyễn Thị Chiểu là đúng hay sai?
Khi UBND P.Trường Thọ nhận được nhiều đơn thư khiếu nại việc ông Hậu xây dựng lấn chiếm hẻm 59, UBND phường đã nhiều lần tổ chức họp dân để giải quyết sự việc, đồng thời vận động và tạo điều kiện ông Hậu tự khắc phục vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tải sản; các hộ dân sống trong hẻm 59 cũng đã đề nghị ông Hậu thay tường gạch kiên cố bằng tường rào song sắt để người dân có tầm quan sát khi lưu thông từ trong hẻm ra đường số 11, nhằm đảm bảo an toàn nhưng ông Hậu nhất quyết không chấp nhận. Ở đây, xét về mặt lý, việc vi phạm trong xây dựng đã xuất phát từ chính gia đình ông Hậu nên phường mới phải xử lý sau nhiều lần vận động.
Tuy nhiên, ông Hậu vẫn gửi đơn thư đến cơ quan chức năng khiếu nại về cách giải quyết vụ việc của UBND P.Trường Thọ trong việc cưỡng chế sai phạm của gia đình ông... Từ đây, vấn đề lại “biến thành”: UBND P.Trường Thọ đã đúng hay sai khi biết việc sai phạm trong xây dựng của gia đình ông Hậu mà vẫn để cho hoàn thành rồi mới xử lý? Và, gia đình ông Hậu là gia đình chính sách, xử lý lạnh lùng, không du di như thế có đúng không?
Thoạt đọc bài báo nói về vụ việc, hầu như ai cũng có cảm giác rằng UBND phường đã không có chút “tình cảm” nào với một gia đình chính sách, và phường cũng có cái sai là đã để vụ việc diễn biến đến tận cùng rồi mới ra tay xử lý, gây thiệt hại cho người dân... Nhưng, phân tích sâu hơn về vụ việc, sẽ thấy rằng đã có những khái niệm đã bị đánh tráo ở đây: cái sai chủ quan của người vi phạm (chủ nhà cố tình xây dựng trái phép) không thể trở thành cái sai của UBND phường (khi đã để vụ vi phạm hoàn thành rồi mới xử lý).
Hai cái sai này khác nhau. Trong trường hợp này, việc xử lý chậm trễ của phường là cái sai đã được khắc phục, và điều này dẫn đến việc khắc phục luôn cái sai của chủ thể vi phạm. Tương tự, việc UBND phường có quan tâm chăm sóc gia đình chính sách trong địa phương, không thể là hành vi cố tình bỏ qua, dung dưỡng cho những sai phạm, vi phạm pháp luật (nếu có) của những gia đình này xảy ra trong địa phương do mình quản lý, vì pháp luật chính là phương tiện các đơn vị hành chính này quản lý địa bàn.
Khi thực hiện cưỡng chế, phá dỡ sai phạm xây dựng, UBND P.Trường Thọ chỉ phá dỡ phần vi phạm (phần xây dựng trong 6,6m2 không được công nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho các hộ dân sống trong hẻm 59 khi lưu thông từ trong hẻm ra đường số 11 do khuất tầm nhìn,.. Riêng phần diện tích nâng tầng (38,39m2) không gây ảnh hưởng đến cộng đồng đã được giữ lại vì mẹ ông Hậu, bà Nguyễn Thị Chiểu là mẹ liệt sĩ thuộc gia đình chính sách và đang có khó khăn về chỗ ở.
Trong sự việc này có thể thấy, UBND P.Trường Thọ đã bị rơi vào “thế khó”, nếu phường thuận tình để giữ nguyên hiện trạng sai phạm của ông Hậu thì vô hình chung phường sẽ vi phạm về mặt pháp luật và không giữ được kỷ cương trong địa bàn quản lý, UBND P.Trường Thọ còn bị các hộ dân sinh sống trong hẻm 59, đường số 11 cho rằng phường đã bao che cho hành vi vi phạm của gia đình ông Hậu; Còn nếu thuận theo lý, tiến hành cưỡng chế thì đạt được mặt lý nhưng lại bị “ghép” là vi phạm mặt tình, bị cho là “vô cảm” đối với gia đình chính sách... Hơn nữa, nếu UBND phường không xử lý vi phạm của cá nhân thì sẽ làm thiệt hại đến lợi ích cộng đồng. Có rất nhiều cách để quan tâm chăm sóc một gia đình chính sách, nhưng tuyệt đối không phải là việc bỏ qua hoặc dung dưỡng cho những vi phạm pháp luật của gia đình đó.
Ngọc Thạnh