Chuyển giới nam yêu nam: 'Con gái yêu trai thì chuyển giới làm gì?'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:52, 28/11/2017
Con gái chuyển giới thành con trai và yêu trai
Chiều 26.11, hội thảo "Ngày hiện diện người chuyển giới nam yêu nam" đã được diễn ra tại TP. HCM với sự tham gia đông đảo của nhiều người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Đây là sự kiện do nhóm Nam Yêu Nam (NYNO) -kênh thông tin về nữ quyền, bình đẳng giới cho cộng đồng nam yêu nam - đồng tổ chức vớiFTM Vietnam Organization (FTMVNO) -tổ chức hoạt động về người chuyển giới nam tại Việt Nam.
Nói một cách dễ hiểu, chuyển giới nam yêu nam là những người nam mắc kẹt trong cơ thể của phụ nữ và dành tình yêu của mình cho một người nam khác. Nhóm người nàythường xuyên vấp phải những định kiến và hiểu lầm phổ biến như: "Nếu thế thì chuyển giới làm gì? Làm con gái ngay từ đầu có phải sướng hơn không?".
Thiên Ân -đồng sáng lập của FTMVNO - cho biết: "Việc bạn nghĩ mình là ai không can hệ đến việc bạn yêu ai. Bạn có thể là một người hợp giới (người có bản dạng giới trùng với giới tính sinh học) dị tính, đồng tính hay song tính, vậy tại sao người chuyển giới lại không thể?”
“Mình yêu bạn, bạn yêu mình, thì chúng mình yêu nhau!”
Có mặt tại buổi hội thảo, Trà Trần và Christ là 2 người chuyển giới nam yêu nam.Đối với Trà, đó là những cảm xúc khác biệt bởi anh chưa từng nghĩ rằng mình sẽ dành tình cảm cho một người con trai khác. Thế nhưng, mọi thứ đãdiễn ra rấttự nhiên,từ những cuộc trò chuyện, cuộc hẹn ngắn ngủi cho đến lời tỏ tình đầu tiên.
"Mình biết hầu như các bạn đồng tính nam thường không thích hẹn hò với người chuyển giớinhưng mình đã tìm được một người không quan tâm đến điều ấy và mong muốn có thể tiến xa hơn. Mặc dù hiện tại tụi mình không thể sống gần nhauvì nhiều lý do, nhưng đối với mình, đó là những cảm xúc quý giá nhất vì được trân trọng", Chrischia sẻ.
"Có rất nhiều người thường tò mò và muốn 'chỉ mặt đặt tên'cho những mối quan hệ, rằng phải là như thế này thì mới được gọi là thế kia. Với mình, tất cả chỉ gói gọn là bạn yêu mình, mình yêu bạn, thì được gọi là chúng mình yêu nhau!”, anh nói thêm.
Sự kỳ thị đến từ chính trong cộng đồng LGBT
Christ nói: "Mình từng rất hoang mang về việc mình là ai. Một lần mình nhìn thấy một chia sẻ trên mạng giống với bản thân mình, thế nhưng ở dưới bình luận là những chỉ trích, kỳ thị đến từ chính cộng đồng chuyển giới nam. Họ nói rằng như vậy không phải là chuyển giới nam, rằng những người chuyển giới nam lại còn yêu nam là làm xấu đi hình ảnh của cộng đồng".
Cách đây không lâu, NYNO và FTMVNO đã thực hiện một khảo sát trên mạng xã hội với tên gọi "Người đồng tính nam nghĩ gì về người chuyển giới nam trong mối quan hệ yêu đương và ngược lại?”. Hầu hết những người chuyển giới nam đều cảm thấy vui vẻ và hài lòng. Trong khi đó,những người đồng tính nam lại có phần e dè và không thoải mái.
Một số người chuyển giới nam có mặt tại hội thảocũng chia sẻ rằng họ từng bị kỳ thị và xa lánh bởi người đồng tính nam.
Cần nhiều sự thấu hiểu và khoan dung hơn
Khi được hỏi về những định kiến của người đồng tính nam đối với những người chuyển giới nam yêu nam, Nguyễn Dương Minh Toàn -sáng lập viên củaNYNO - cho biết: "Mình hiểu rằng khi người ta còn chưa hiểu rõ thì sẽ còn nhiều định kiến, và nó sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức và gỡ bỏ hiểu lầm. Nhưng dù vậy, mình cho rằng sự kỳ thị thì không nên được chấp nhận và hiện hữu. Bạn có thể chưa được thông tin rõ ràng, nhưng bạn không thể hạ thấp, phán xét, xỉ nhục hay kỳ thị người khác. Hãy khoan dung hơn, cởi mở hơn để đón nhận những điều mới trong cuộc sống này".
Ông Đặng Lê Anh - Viện phó củaviện IVS (Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao) - đã phát biểu tại hội thảo: "Học trò của thầy có rất nhiều người là các bạn chuyển giới nam nên thầy muốn hiểu hơn về các em cũng như kết nối để nâng cao nhận thức cho các phụ huynh tìm đến trường. Họ mong trường sẽ giúp họ 'thay đổi con thành những người bình thường', thầy muốn có thêm kiến thức để có thể chia sẻ và tư vấn cho phụ huynh, rằng trường của thầy không thể thay đổi hai điều: tình yêu và bản dạng cùa một người".
Bài và ảnh: Phan Linh