Trung Quốc chế tạo máy cắt sứa để bảo vệ tàu sân bay

Quốc tế - Ngày đăng : 20:05, 28/11/2017

Các nhà khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm một hệ thống cắt sứa, nhằm tránh sinh vật này làm tắc nghẽn các đường ống của tàu sân bay nước này.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hệ thống này do Viện Nghiên cứu thủy sản và hải dương tỉnh Liêu Ninh chịu trách nhiệm chế tạo. Khi được đưa vào thử nghiệm trên biển, hệ thống đã thành công làm sạch những vùng nước nhiều sứa, một nhà nghiên cứu giấu tên của viện này tiết lộ.

Theo bà Đàm Diệp Tuệ, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải dương Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết với các tàu sân bay kích thước lớn và cấu trúc phức tạp, sứa chính là một mối đe dọa rất nguy hiểm.

Cụ thể, một lượng lớn những sinh vật không xương sống này có thể bị hút vào đường ống hút nước của tàu sân bay và làm tắc nghẽn hệ thống làm máy. Hậu quả là động cơ sẽ nóng rồi bị chết máy. Để gỡ bỏ xác sứa bám trong các đường ống sẽ mấthàng tiếng đồng hồ, thậm chí là vài ngày.

Theo SCMP, để tăng cường sức mạnh của hải quân, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều tàu sân bay. Ngoài tàu Liêu Ninh và tàu sân bay nội địa đầu tiên 001, nước này được cho là đang sản xuất thêm 3 tàu sân bay nữa tại vịnh Bột Hải.

Mặc dù các tàu chiến đã có những biện pháp riêng để đối phó sứa, nhưng hút phải quá nhiều sứa trong một lúc cũng sẽ khiến tàu gặp vấn đề.

Năm 2006, tàu USS Ronald Reagan của Mỹ đã chết máy tạm thời khi đi vào vùng biển đầy sứa ngoài khơi vịnh Brisbane (Úc), SCMP cho hay. Theo bà Đàm, những gì tàu sân bay Mỹ gặp phải cũng có thể xảy ra với tàu sân bay Trung Quốc, nên Bắc Kinh đã cho phát hiện một hệ thống cắt sứa để xử lý vấn đề này.

Theo mô tả trên tạp chí Nghề cá Hà Bắc, máy cắt sứa bao gồm một lưới dài hàng trăm mét được gắn với một lưỡi dao ở phía đuôi. Lưới sẽ được một chiếc tàu kéo đi ở vận tốc nhanh, dùng sức của dòng nước để lùa sứa trôi vào lưỡi dao. Những con sứa sẽ bị cắt thành những mảnh nhỏ có độ dài ngắn hơn 3cm, bằng 1/10 kích thước của một con sứa tại Trung Quốc.

Theo thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, vùng nước đầy xác sứa sẽ bị vẩn đục trong vòng một ngày. Các chất ô nhiễm hữu cơ sẽ tồn tại và lên đến đỉnh điểm sau 4 ngày khi cắt sứa. Tuy nhiên khi xác sứa đã hoàn toàn phân hủy thì vùng biển sẽ sạch lại.

Thiết kế máy cắt sứa - Ảnh: SCMP

Đội ngũ nghiên cứu cũng đã thử một phương pháp khác, là bơm không khí vào nước để tạo bong bóng đưa sứa lên mặt biển, sau đó dùng thuốc xử lý chúng.

Máy cắt sứa chưa chắc hiệu quả

SCMP dẫn lời một số nhà nghiên cứu khác đánh giá máy cắt sứa này có thể đem lại nhiều vấn đề khác. Các xúc tu của sứa bị cắt đứt có thể trôi dạt trên biển và chạm vào những người tắm biển. Người tiếp xúc với độc sứa có thể bị đau dữ dội, bị viêm và thậm chí là tử vong.

Ngoài ra, khi máy cắt một con sứa đang mang thai, trứng sứa sẽ phát tán khắp nơi và tạo ra nhiều sứa hơn vào mùa sinh sản tới.

Nhà nghiên cứu Đàm không đánh giá cao máy cắt sứa của nhóm nghiên cứu. Bà cho rằng máy chỉ hiệu quả với những con sứa lớn, trong khi kích thước trung bình của những con sứa ở ven biển Trung Quốc đều không quá 2cm. Không những vậy, máy cắt và thuốc đều có khả năng giết nhiều sinh vật biển khác ngoài sứa.

Theo bà Đàm, thay vì dùng máy cắt sứa, các hạm đội tàu sân bay nên xem xét phát triển hệ thống dự báo sứa trước khi triển khai tàu.

Trong nhiều thập kỉ nay, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã ghi nhận sự bùng nổ của loài sứa với quy mô và tần suất chưa từng thấy. Sinh vật này khiến các bãi biển phải đóng cửa, làm nguồn dự trữ cá hồi biến mất, khiến tàu sân bay chết máy và ảnh hưởng hoạt động của những nhà máy điện hạt nhân.

Theo nhiều nhà sinh học biển, tuy có nhiều lý do, nhưng tình trạng biểnnóng lên do biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho sứa sinh sôi nảy nở.

Số lượng sứa tăng mạnh trong những năm qua - Ảnh: Shutterstock

Riêng tại Trung Quốc, lượng sứa tăng đột biến còn do nhiều yếu tố khác. Theo một nhà nghiên cứu của Viện hải dương học, thành phố Thanh Đảo, ô nhiễm biển của Trung Quốc đã cung cấp thêm vi sinh vật, thức ăn của sứa.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác, trong đó có bà Đàm, lại tranh cãi rằng sứa không thể sống ở vùng nước bị ô nhiễm nặng.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Cẩm Bình