Sân bay Bali tái hoạt động, hàng trăm ngàn người dân vẫn chưa sơ tán
Quốc tế - Ngày đăng : 11:17, 30/11/2017
Reuters cho biết sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo Bali bắt đầu hoạt động bình thường trở lại từ khoảng 14 giờ 30 ngày 29.11 (giờ địa phương). Hoạt động của sân bay này đã bị gián đoạn từ cuối tuần trước vì bụi núi lửa. Song song đó, mức cảnh báo hàng không đã được hạ xuống một bậc.
Theo ghi nhận của FightRadar24, trang web chuyên theo dõi các chuyến bay, đã bắt đầu có những chuyến bay đi và đến Bali khi sân bay Ngurah Rai tái hoạt động. Tuy nhiên, FightRadar24 khuyến cáo lệnh ngừng hoạt động có thể được áp dụng trở lại nếu gió đổi hướng.
Nathan James, một du khách Úc đang chờ tại sân bay Ngurah Rai, cho biết: “Chúng tôi hy vọng trong hôm nay hoặc ngày may sẽ có chuyến bay đưa chúng tôi về nhà”. Hiện tại ước tính đang có gần 150.000 du khách kẹt lại ở Bali, theo tờ Daily Mail.
Trong khi đó, giới chức Jakarta đang tăng cường các nỗ lực sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm. Ông Sutopo Purwo Nugroho, quan chức của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, cho biết đã có 43.000 người nghe theo khuyến cáo và sơ tán, nhưng hiện còn 90.000- 100.000 vẫn đang ở tại khu vực nguy hiểm quanh núi lửa Agung.
Ông Sutopo dẫn lời Trung tâm giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) cho biết: “Từ chiều 28.11 đã bắt đầu có những đợt rung lắc liên tục, theo sau đó là các vụ phun trào đá núi lửa trong phạm vi bán kính 4 km”.
Theo ông Sutopo, có nhiều lý do khiến người dân không muốn sơ tán, hầu hết trong số đó là do không nỡ bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và gia súc. Một số khác cho rằng núi lửa Agung hoạt động trở lại là một sự kiện linh thiêng, nên họ chấp nhận và hoàn toàn thuần phục trước sức mạnh của các vị thần.
Còn một số ít chọn ở lại vì chỉ vì muốn thể hiện mình. Trên mạng xã hội đã có nhiều người trẻ tuổi leo lên miệng núi lửa Agung để tự sướng. Ông Sutopo đánh giá đây là những hành động nguy hiểm.
Ông Sutopo khẳng định giới chức Indonesia vẫn đang tiếp tục kêu gọi người dân chấp hành khuyến cáo sơ tán của PVMBG vì chính an toàn cho bản thân mình. Những mối đe dọa từ núi lửa Agung sẽ càng ngày càng tăng, theo ông Sutopo.
Núi lửa Agung phun trào sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu giảm
Tờ Daily Mail dẫn lời nhiều chuyên gia cho biết một vụ núi lửa phun trào lớn xảy ra ở gần xích đạo sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu giảm trong vòng 5 năm.
Theo ông Chris Colose, chuyên gia khí hậu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), tuy không tác động rõ rệt, nhưng núi lửa Agung phun trào có thể khiến nhiệt độ toàn cầu giảm đi khoảng 0.1 độ C trong vòng một hoặc hai năm. Hiện tượng này sẽ giảm dần trong khi xu hướng nóng lên toàn cầu sẽ vẫn tiếp diễn.
Tiến sĩ Janine Krippner, chuyên gia núi lửa người New Zealand, cảnh báo núi lửa Agung nếu phun trào sẽ giống như “chuyện lắc một chai Coke và sau đó mở nắp ra”.
Ông khẳng định rằng núi lửa Agung 100% sẽ phun trào, và lượng dung nham mà núi lửa này giải phóng đủ lớn để gây rắc rối. Người dân Bali sẽ không chạy thoát được nếu sự kiện này xảy ra.
Cẩm Bình (theo Reuters, Daily Mai)