Tạp chí Luật sư Việt Nam khiếu nại quyết định xử phạt của Cục Báo chí
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:36, 30/11/2017
Xác nhận với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới,luật sư Nguyễn Minh Tâm, Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam, Ủy viên thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết Tạp chí Luật sư Việt Nam đã gửi đơn khiếu nại đến Cục Báo chí (Bộ Thông tin -Truyền thông) về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 262/QĐ-XPVPHC ngày 16.11.2017, xử phạt Tạp chí 30 triệu đồng về hành vi “Đã có hành vi vi phạm hành chính,thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí”.
Trước đó, ngày 20.11, Tạp chí nhận được Quyết định số 262/QĐ-XPHC ngày 16.11 của Cục trưởng Cục Báo chí về việc xử phạt hành chính đối với Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam số tiền 30.000.000 đồng vì “đã có hành vi vi phạm hành chínhthực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí” quy định tại điểm d khoản 3 điều 5 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Đơn khiếu nại nêu rõ, về hành vi, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam không có hành vi vi phạm hành chính “thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí” như kết luận của quyết định xử phạt. Những tin bài mà đại diện Cục Báo chí viện dẫn trong Biên bản làm việc ngày 16.11.2017 không có giá trị chứng minh cho kết luận này. Bởi, trong các tin, bài đó, không có tin, bài nào có nội dung không tuyên truyền hoặc đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc dung lượng các tin, bài trong tiểu mục “Đời sống -xã hội” của chuyên mục “Vấn đề - Sự kiện” và mục “Tin pháp luật” của chuyên mục “Pháp luật -Cuộc sống” như Biên bản viện dẫn có thể nhiều hơn các tin bài khác cũng không phải là căn cứ để xác định tính chất vi phạm là “Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí”.
“Nếu cho rằng đó là vi phạm thì với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng chỉ nên nhắc nhở, rút kinh nghiệm để Tạp chí thực hiện chức năng của mình được tốt hơn”, đơn khiếu nại nêu rõ.
Về việc áp dụng pháp luật, quyết định xử phạt đã không bảo đảm giá trị pháp lý, bởi vì áp dụng Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 là nghị định đã hết hiệu lực theo Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 5.4.2016, có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Hơn nữa, nếu áp dụng Nghị định 159 (như Cục Báo chí quan niệm được áp dụng) thì quyết định xử phạt số tiền 30.000.000 đồng là áp dụng sai điểm d khoản 3 điều 5 Nghị định 159 (mức phạt chỉ từ 10-20 triệu đồng).
Ngoài ra, quyết định xử phạt vi phạm điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20.6.2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013, vì đã tước “quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính” của Tạp chí bằng việc kết thúc lập Biên bản vi phạm vào lúc 11 giờ 10 ngày 16.11.2017 thì ngay chiều hôm đó đã ra quyết định xử phạt và gửi ngay cho báo điện tử Vietnamnet đưa tin trong khi Tạp chí chưa thực hiện quyền này. Thực tế, mãi tới 4 ngày sau (20.11.2017) Tạp chí mới nhận được quyết định xử phạt.
Đơn khiếu nại cũng nêubiên bản vi phạm hành chính ngày 16.11.2017 là không có giá trị pháp lý bởi được lập bởi người không có thẩm quyền đại diện Tạp chí (không có giấy ủy quyền của Tổng biên tập là người đại diện theo pháp luật). Đại diện Cục Báo chí cho rằng cứ lập biên bản vi phạm bởi người không có thẩm quyền rồi sẽ bổ sung giấy ủy quyền sau, là không đúng quy định về tư cách đại diện của tổ chức bị xử phạt trong buổi làm việc.
Ông Nguyễn Minh Tâm cũng cho biết hiện Cục Báo chí chưa hồi đáp đơn khiếu nại của tạp chí.
Hoài Phong