Giá điện chính thức tăng lên 1.720,65 đồng/kWh từ ngày 1.12
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:51, 30/11/2017
Thông tin vừa được Bộ Công Thương phát đi cho biết được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc điều hành giá bán lẻ điện năm 2017 thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điểu chỉnh là từ ngày 1.12.2017.
"Việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân. Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7.4.2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ", Bộ Công Thương cho biết.
Về chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN, Bộ Công Thương cho biết sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỉ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%).
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỉ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/kWh, trong đó: Tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đồng/kWh; Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 101,18 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 286,99 đồng/kWh; Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,74 đồng/kWh.
Chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016. Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Nam) và các xã, đảo Khánh Hòa là 142,91 tỉ đồng.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 tại huyện đảo huyện đảo Phú Quý là 6.132,13 đồng/kWh, huyện đảo Côn Đảo là 7.001,52 đồng/kWh, Bạch Long Vĩ là 9.454,55 đồng/kWh, Cù Lao Chàm là 9.210,53 đồng/kWh và đảo Bé, đảo Lý Sơn và các xãđảo Khánh Hòa lần lượt là 13.250,00 và 15.785,71 đồng/kWh.
Giá bán điện bình quân tại các huyện, xã đảo tương ứng là 1.701,81 đồng/kWh, 2.002,28 đồng/kWh, 1.803,03 đồng/kWh, 1.710,53 đồng/kWh, 1.875,00 đồng/kWh và 1.500,00 đồng/kWh.
"Như vậy, nếu so với giá thành sản xuất kinh doanh điện nêu trên thì giá bán điện bình quân tại các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm,các đảo Bé, Lý Sơn và các xãđảo Khánh Hòa chỉ bằng 27,75%, 28,60%, 19,07%, 18,57%, 14,15% và 9,50% giá thành điện thực tế ở các đảo", Bộ Công Thương cho hay.
Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016, Bộ cho biết là 3.251,66 tỉ đồng, bao gồm: Thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng là 729,49 tỉ đồng; Thu nhập hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN (từ lãi tiền gửi, thu nhập từ phí cho vay lại, lãi cho Genco, NPT vay lại; số liệu do EVN báo cáo): 1.442,71 tỉ đồng (trong đó lãi tiền gửi là 618,06 tỉ đồng; phí cho vay lại là 299,87 tỉ đồng; lãi cho Genco, NPT vay lại là 524,78 tỉ đồng).
Thu nhập hoạt động tài chính của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (từ lãi tiền gửi) là 268,03 tỉ đồng; Thu nhập hoạt động tài chính của các Tổng công ty Điện lực (từ lãi tiền gửi, tiền cho vay) là 443 tỉ đồng.
Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN là 75 tỉ đồng; Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của các Tổng công ty Điện lực là 293,43 tỉ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016, EVN lãi 2.658,20 tỉ đồng (chưa tính tới thu nhập từ sản xuất khác như xây lắp điện, sửa chữa thí nghiệm điện, các dịch vụ cho thuê tài sản, vận tải, bốc dỡ, các khoản phạt vi phạm hợp đồng của các Tổng công ty Điện lực...)
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 gồm: Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31.12.2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỉ đồng; Công ty mẹTổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỉ đồng; Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31.12.2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỉ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỉ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là 185,48 tỉ đồng.
Theo Bộ Công Thương, quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN được dựa vào các nguyên tắc, bao gồm: Chi phí sản xuất kinh doanh điện gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác; Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành.
Chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hóacó ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện; Chi phí sản xuất điện từ các nhà máy hạch toán phụ thuộc EVN được xác định căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận.
Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN do kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) kiểm toán; báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện (kiểm tra chọn mẫu); tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của Tổ công tác. EVN chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính trung thực của các số liệu báo cáo cho Tổ công tác kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 không bao gồm thanh kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, các quy định về đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình điện và mua sắm, thanh lý thiết bị. Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 không bao gồm việc kiểm tra cơ cấu sản lượng điện phát. Khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan, chi phí/giá thành sản xuất kinh doanh điện sẽ được hiệu chỉnh tương ứng.
Tuyết Nhung