Chiến đấu cơ Nga sẽ sử dụng căn cứ không quân Ai Cập

Quốc tế - Ngày đăng : 18:34, 01/12/2017

Chính phủ Nga vừa phê duyệt một dự thảo thỏa thuận với Ai Cập, qua đó hai nước có thể tiếp cận không phận và căn cứ của nhau.

Theo trangRT, một sắc lệnh chính phủ do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký ngày 28.11 được tải lên cổng thông tin chính phủ hôm 30.11,chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga ký thỏa thuận sử dụng căn cứ không quân Ai Cập, một khi đàm phán song phương hoàn tất.

Thỏa thuận này áp dụng với chiến đấu cơ và máy bay ném bom, vận tải cơ quân sự chở khí tài nguy hiểm. Thỏa thuận sẽ kéo dài 5 năm và có thể gia hạn.

Thông tin trên được công bố một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến Cairo hôm 29.11 để tiến hành đàm phán.

Dự thảo thỏa thuận Nga - Ai Cập được công bố nhiều tháng sau khi Mỹ cho rằng đã phát hiện lính đặc nhiệm Nga có mặt ở 2 căn cứ không quân Ai Cập gần biên giới Libya.

Theo báo New York Times, Ai Cập “hờn dỗi” chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trumpnên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, cho phép máy bay quân sự Nga - Ai Cập tiếp cận không phận và căn cứ không quân của nhau.

Nếu thỏa thuận thành công, Nga sẽ có sự hiện diện sâu nhất ở Ai Cập kể từ năm 1973. Lúc đó, Ai Cập trục xuất quân đội Liên Xô và trở thành đồng minh Ả Rập thân cận nhất của Washington.

Từ đó, Mỹ viện trợ hơn 70 tỉ USD cho Ai Cập trong 40 năm, theo nhịp hơn 1,3 tỉ USD/năm trong vài năm gần đây, với lý do bảo đảm không phận và căn cứ Ai Cập cho quân đội Mỹ.

Các nhà phân tích Mỹ và Ai Cập nói: Thỏa thuận sơ bộ kể trên là dấu hiệu mới nhất của việc Mỹ mất tầm ảnh hưởng, khi Tổng thống Trump giảm dấu ấn quân sự - ngoại giao ở khu vực này và cả trên thế giới.

Ông Matthew Spence, cựu trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Trung Đông (thời Tổng thống Barack Obama), nói: “Mối nguy và thực tiễn là các nước khác sẽ tranh thủ cơ hộikhi Mỹ chọn cách rút”.

Trên thực tế, sự hiện diện máy bay Nga ở Ai Cập sẽ gây lo ngại cho hoạt động an ninh của quân Mỹ, và cần có sự điều phối giữa máy bay quân sự Nga - Mỹ trong cùng không phận.

Ông Andrew Miller, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói đó là một vấn nạn lớn cho quan hệ quốc phòng Mỹ - Ai Cập.

Thông tin về thỏa thuận sơ bộ Nga - Ai Cập vào lúc Mỹ giảm nhân sự ngoại giao đáng kể, cùng lúc chính sách đối ngoại của Mỹ chịu nhiều thách thức, gồm CHDCND Triều Tiên vừa thử tên lửa tầm xa nhất sáng 29.11.

Tại Trung Đông, Mỹ không có quan chức phụ trách mảng Cận Đông, không có đại sứ ở Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar và Ai Cập.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết can thiệp quân sự vào Syria, quyết tâm phục hồi tầm ảnh hưởng của Nga.

Hồi tháng 9, Nga đồng ý bán tên lửa hiện đại trị giá 2 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Qua tháng 10, Nga đồng ý bán số tên lửa trị giá 3 tỉ USD cho Ả Rập Saudi.

Nga hiện tăng cường hợp tác quân sự với Ai Cập, kể từ sau vụ đảo chính quân sự ở Ai Cập năm 2013 đưa ông Abdel Fattah el-Sisi lên làm Tổng thống. Ông đã nối lại quan hệ liên minh với Nga.

Vài tháng gần đây, hai nước ký nhiều hợp đồng vũ khí, qua đó Ai Cập mua chiến đấu cơ MiG-29, trực thăng Ka-52 cùng nhiều vũ khí khác của Nga, với tổng số tiền 3,5 tỉ USD.

Hồi tháng 10.2016, hai nước lần đầu tiên tập trận chung chống khủng bố, với quân nhảy dù Nga - Ai Cập cùng diễn tập.

Ai Cập cũng ký một thỏa thuận sơ bộ, cho phép Nga xây những cơ sở điện hạt nhân ở nước mình.

Bích Ngọc (theo RT, New York Times)

Trần Trí