Cảnh sát can thiệp vào vụ việc tại BOT Cai Lậy đúng hay sai?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:24, 01/12/2017

Theo luật sư Trần Minh Hùng, việc bắt giữ tài xế vì cho là không chấp hành mệnh lệnh, cản trở giao thông, tạm giữ bằng... của tài xế là không có căn cứ pháp lý và chưa tuân theo quy định. Vì anh tài xế mua vé để qua trạm nên không thể nói là cản trở hay không chấp hành mệnh lệnh vì tài xế đang thực hiện tham gia giao thông theo quy định.

Chia cửa thu tiền lẻ riêng là không hợp lý!

Sáng 30.11, trạm BOT Cai Lậy mở cửa và thu phí trở lại sau 3 tháng xả trạm. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để tránh ùn tắc.

Theo đó, trạm BOT Cai Lậy đã đầu tư khu vực cho xe trả phí bằng tiền mệnh giá thấp. Những lái xe có nhu cầu trả phí qua trạm bằng tiền lẻ sẽ được lực lượng chức năng mời vượt qua cabin để tiến đến khu vực dành riêng cho xe trả tiền mệnh giá thấp. Hai khu vực dành riêng để thu tiền mệnh giá thấp có sức chứa khoảng 40 - 50 xe.

Tuy nhiên, trạm BOT này đã sớm phải xả trạm tới 3 lần vì ùn tắc. 2 tài xế bị lực lượng công an tạm giữ.

Trao đổi với phóng viên báo điện từ Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng cho biết, việc phân ra 2 trạm thu tiền lẻ và tiền mệnh giá lớn như vậy là không hợp lý, bởi vì đồng tiền thanh toán không bị cấm hay hạn chế tiền nhỏ hay lớn, không có quy định phân biệt như vây.

Do vậy, ông Hùng cho rằng việc yêu cầu tài xếtrả tiền lẻqua cửa khác là không có căn cứ pháp lý. Tài xế khi mua vé, trả tiền thì có quyền chọn bất cứ cửa nào để mua và thanh toán.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là đồng tiền pháp định, được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, luật pháp cũng quy định cấm việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

Tài xế có thể khiếu nại

Về vụ bắt một tài xế tên Phương chiều qua, CSGT Tiền Giang lập biên bản xử lý hành chính với 2 lỗi: Cản trở giao thông và không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, và tạm giữ giấy phép lái xe của anh.

Tuy nhiên, anh Phương ghi rõ trong biên bản: “Tôi không ký tên vì tôi không vi phạm 2 lỗi trên. Tôi chỉ dừng xe mua vé qua trạm nhưng nhân viên không đủ tiền trả lại”. Sau đó xe của anh bị công an cho cẩu đi mà không hề có biên bản, cẩu lúc cửa xe không khóa, rất dễ bị mất tài sản trong xe.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, việc bắt giữ tài xế vì cho là không chấp hành mệnh lệnh, cản trở giao thông, tạm giữ bằng... của tài xế là không có căn cứ pháp lý và chưa tuân theo quy định. Vì anh tài xế mua vé để qua trạm nên không thể nói là cản trở hay không chấp hành mệnh lệnh vì tài xế đang thực hiện tham gia giao thông theo quy định.

“Khi bắt người phải có lệnh bắt, đọc lệnh bắt và có phê chuẩn của viện kiểm sát kể cả trường hợp phạm tội quả tang. Kể cả việc tài xế nếu có vi phạm hành chính thì cũng không được bắt họ tống lên xe như chở tù nhân. Như vậy là chưa bảo đảm đúng về mặt pháp lý”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng khi cẩu xe không lập biên bản giữ xe với tài xế thì cũng không bảo đảm theo đúng trình tự pháp lý, vì việc thu giữ phương tiện vi phạm đều phải lập biên bản thu giữ phương tiện theo quy định.

Như vậy, ông Hùng cho rằng tài xế có quyền khiếu nại quyết định xử lý vi phạm hành chính mà mình không đồng ý hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định. Đồng thời, nếu việc bắt giữ người trái quy định pháp luật thì tài xế có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, tố cáo theo quy định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động… được huy động tại BOT Cai Lậy, ông Hùng cho rằng đây là việc tài xế tham gia giao thông đúng luât, mua vé để xe qua trạm đúng luật, không vi phạm nên cảnh sát giao thông chỉ tuần tra thôi chứ không nên can thiêp vào việc tham gia giao thông của họ.

Trả lời trên tờ Tuổi Trẻ, Luật sư Phạm Tất Thắng (đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định việc lực lượng cảnh sát túc trực để điều tiết, giữ gìn trật tự, đề phòng, xử lý hành vi gây rối (nếu có) tại trạm thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, phải khẳng định ngay việc tài xế dùng tiền lẻ hay chẵn là quyền của tài xế, không vi phạm pháp luật. Mệnh giá tiền bao nhiêu hoặc phương thức thanh toán nào khác phù hợp (cà thẻ nếu có) giữa tài xế và trạm thu phí là quan hệ dân sự đơn thuần.

Theo luật sư này, rắc rối phát sinh giữa tài xế và trạm thu phí chỉ là các bên chưa sử dụng phương thức thanh toán phù hợp. Rắc rối đó, phía tài xế chỉ là thiếu thiện chí trong thanh toán (nếu có) nhưng lỗi của trạm thu phí lớn hơn. Bởi lẽ trạm buộc tài xế đóng phí nhưng lại không chuẩn bị đầy đủ công cụ, phương thức thanh toán. Đó là chưa kể đến việc đặt trạm thu phí tại vị trí đó để thu tiền là chưa đúng.

"Như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giải quyết rắc rối đó bằng cách thu giữ bằng lái, giấy tờ xe của tài xế là hành vi trái luật", ông Thắng khẳng định.

Theo quy định, cảnh sát giao thông chỉ được quyền kiểm tra, giữ giấy tờ, bằng lái của tài xế khi xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Trường hợp giữ giấy tờ, bằng lái để xử lý vi phạm giao thông thì phải lập biên bản đầy đủ. Trường hợp nếu cần xử lý hình sự tài xế vì cho rằng có dấu hiệu vi phạm về hành vi gây rối trật tự thì thẩm quyền cũng không thuộc về cảnh sát giao thông.

Hoài Phong

Trí Lâm