NHNN kiến nghị Nhà nước độc quyền huy động vàng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:10, 01/12/2017
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiếnvề Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong đợt sửa đổi lần này là việc bổ sung huy động vàng tài khoản vào danh mục độc quyền của Nhà nước.
Cụ thể, NHNN cho biết Nghị định 24 quy định phạm vi điều chỉnh là "Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng".
Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung quy định "Kinh doanh vàng" là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (bao gồm hoạt động kinh doanh vàng khác). Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng khác (bao gồm huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng tài khoản) chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24.
Việc huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản được NHNN đánh giá là những hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, gây lãng phí nguồn lực kinh tế, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với hoạt động vay vàng, trước đâycùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, thị trường vàng biến động mạnh, hoạt động huy động-cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng "vàng hóa", ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bất ổn kinh tế. Trước tình hình đó, từ năm 2011, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động-cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc vay vàng của dân để bán vàng lấy tiền mua vàng nguyên liệu sản xuất sẽ gây rủi ro biến động giá vàng cho doanh nghiệp. Còn nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.
Đối với hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, trong giai đoạn 2007-2009, một số sàn giao dịch vàng trong nước xuất hiện và hoạt động dưới hình thức tự phát. Các giao dịch quy mô lớn trên sàn vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo.
Đánh giá các tác động bất lợi của sàn vàng, ngày 30.9.2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo 369/TB-VPCP yêu cầu các sàn vàng đang hoạt động và kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước dưới mọi hình thức phải chấm dứt hoạt động. Những hệ quả trên cho thấy việc cần có quy định chặt chẽ đối với các hoạt động này.
Mặc khác, Nghị định 24 quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNNcấp giấy phép. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư thì quy định này không còn phù hợp.
Theo đó, NHNN kiến nghị để Nhà nước độc quyền đối với hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này. Do đó, dự thảo nghị định quy định hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện.
Tuyết Nhung