Hawaii thử còi báo động có tấn công lần đầu kể từ sau Chiến tranh lạnh
Quốc tế - Ngày đăng : 10:17, 02/12/2017
Buổi thử còi báo động bắt đầu vào 11 giờ 45 sáng. Chính quyền cho phát "Báo động Chú ý" (thông báo người dân bật các phương tiện truyền thông để nghe thông tin và hướng dẫn cho một tình huống khẩn cấp sắp xảy ra) trong khoảng 1 phút.
Tiếpđó là "Báo động Có tấn công", yêu cầu người dân tìm chỗ trú ẩn hoặc ở trong nhà, cho đến khi các phương tiện truyền thông thông báo đã an toàn. Báo động này cũng kéo dài 1 phút.
Ông David Ige, Thống đốc Hawaii, cho biết: “Chúng tôi tin rằng chuẩn bị cho mọi thảm họa là cần thiết, và trong thời nay, thảm họa bao gồm cả một vụ tấn công hạt nhân”. Theo ông, lần thử còi báo động này sẽ đảm bảo cho người dân biết phải làm gì khi bất ngờ bị tấn công.
Ông Vern Miyagi, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tình huống khẩn cấp của Hawaii, cho hay chính quyền địa phương đã hoãn buổi thử còi 1 tháng và dùng khoảng thời gian này thông báo cho người dân thông qua các phương tiện truyền thông.
Cũng theo giới chức Hawaii, chương trình thử còi báo động sẽ được thực hiện vào ngày đầu tiên của mỗi tháng. Khi nghe có còi báo có tấn công, người dân và du khách nên ở trong nhà và luôn theo dõi phương tiện truyền thông để được hướng dẫn ứng phó.
Trang tin Express cho biết còi báo động có tấn công từng vang lên ở Hawaii khi không quân Nhật tấn công vào Trân Châu Cảng năm 1941, khiến 2.403 người Mỹ thiệt mạng. Lần gần đây nhất cư dân Hawaii nghe tiếng còi báo vào khoảng năm 1980, khi quan hệ Mỹ- Xô căng thẳng.
Buổi thử còi hôm 1.12 diễn ra vài ngày say khi Triều Tiên vừa phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 được cho có khả năng vươn đến bất cứ nơi đâu trên nước Mỹ.
Hawaii là một trong những bang của Mỹ gần Triều Tiên nhất, và cũng là nơi có nhiều lực lượng quân đội Mỹ đóng quân. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) đang đóng trên đảo Oahu, hàng chục tàu của hải quân Mỹ đang ở tại Trân Châu Cảng. Đây cũng là căn cứ trọng yếu của không quân, lục quânvà thủy quân lục chiến, tạp chí Politico cho biết.
Hiện Hawaii không còn hầm trú ẩn hạt nhân nào nữa. Khi nguy cơ bị tấn công không còn do Chiến tranh lạnh kết thúc, ngân sách chi cho bảo dưỡng những hầm trú ẩn này cũng không còn.
Lorraine Godoy, một người dân Hawaii 75 tuổi, cho rằng tiếng còi báo động là dấu hiệu nhắc nhở rằng “thế giới bây giờ không còn an toàn nữa, kể cả ở Hawaii”.
Cẩm Bình (theo Politico, Express)