Đà Nẵng: Quản lý đô thị lỏng lẻo, sai phạm ở nhiều lĩnh vực
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:13, 04/12/2017
Nóng việc phá vỡ quy hoạch xây dựng
Ngày 4.12, Văn phòng HĐND TP.Đà Nẵng cho biết, Ban Đô thị của cơ quan này vừa có báo cáo thẩm tra về việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017. Theo Ban này, trong năm 2017 vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị.
Cụ thể, việc lập một số đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế, thi công xây dựng một số công trình vẫn chưa chú trọng công tác khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng nên giải pháp kỹ thuật thiếu đồng bộ, không khớp nối hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ nghiêm trọng, đặc biệt là kênh thoát lũ Hòa Liên. Do đó, 13/13 thôn xã Hòa Liên bị ngập nặng với 829 hộ, xã Hòa Phong có 8/15 thôn với 200 hộ bị ngập, xã Hòa Nhơn có 10/15 thôn với 157 hộ bị ngập, xã Hòa Khương có 2/11 thôn với 30 hộ bị ngập.
Tương tự, việc triển khai không đồng bộ dự án Khe Cạnchưa khớp nối các tuyến thoát nước ngang của khu dân cư hiện trạng gây ô nhiễm môi trường khiến cử tri bức xúc.
Cũng theo Ban Đô thị, vẫn còn tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thay đổi công năng của các dự án, cấp phép nhà cao tầng chưa chú trọng đánh giá năng lực hạ tầng khu vực, nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung dẫn đến các hệ lụy trong quản lý khu dân cư, không đáp ứng nhu cầu về hạ tầng. Đơn cử, khu phức hợp Trung tâm thương mại và căn hộ Golden Square điều chỉnh khối chung cư 36 tầng sang condotel (416 căn); dự án tổ hợp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng xin điều chỉnh hoàn toàn 2.547 căn hộ thành 3.252 condotel.
Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng vi phạm trong quy hoạch xây dựng bị xử phạt và cho tiếp tục triển khai - Ảnh: Lê Đình Dũng
“Quy định quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan sau thời gian triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh kịp thời. Chưa ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực ven biển và các khu vực cảnh quan đặc thù khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27.7.2015”, báo cáo thẩm tra cho hay.
Ban Đô thị nhận định trong năm 2017, sự vào cuộc của các sở ban ngành chưa quyết liệt, kết quả thực hiện không đúng với thời hạn cam kết như kết luận, nghị quyết của Thường trực HĐND thành phố.
Theo đó, công tác quản lý nhà ở xã hội dù đã được quan tâm hơn nhưng vẫn còn tình trạng ở không chính chủ, ở không có hợp đồng thuê và nợ tiền thuê kéo dài… Việc chậm trễ trong thi công dự án kênh thoát lũ Hòa Liên và khớp nối hạ tầng gây ngập úng sâu các thôn thuộc xã Hòa Liên.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt là nghiêm trọng, thành phố đã xây dựng kế hoạch cơ bản sẽ khắc phục tình trạng này vào cuối năm 2018 sau khi hoàn thành xây dựng các nhà máy nước nhưng đến nay các thủ tục triển khai thực hiện vẫn trong tình trạng dậm chân tại chỗ.
Đến năm 2020 là thời hạn đóng cửa bãi rác Khánh Sơn như đã cam kết nhưng kế hoạch xây dựng trung tâm xử lý chất thải rắn thì phải đến năm 2022 mới hoàn thành.
Dự án đê kè biển Liên Chiểu - Kim Liên mặc dù thường trực HĐND nhiều lần tổ chức kiểm tra giám sát, chất vấn giải trình và có văn bản gởi đến các đơn vị có liên quan, dư luận nhiều lần phản ánh tuy nhiên đến nay công trình này vẫn trong tình trạng thi công ì ạch trong khi đó đã xảy ra sạt lở nhà dân gây nguy hiểm tính mạng và tài sản của nhân dân tổ 4, 5 phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu trong trận lũ vừa qua…
Đầu tư hàng ngàn tỉ chống ngập, xây nút giao thông
Vẫn theo Ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, trong năm 2017 ngành chức năng đã cấp 2.250 giấy phép xây dựng và 220 giấy xác nhận quy hoạch; đã tổ chức kiểm tra 206 lượt công trình, ban hành 39 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.
Thành phố cũng đã thực hiện rà soát nghiêm túc, báo cáo đúng thời hạn cho Thủ tướng Chính phủ về các dự án trên bán đảo Sơn Trà; khai thác các ý tưởng cuộc thi quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn để lập quy hoạch chi tiết quản lý kiến trúc cảnh quan.
Đà Nẵng hiện có nhiều điểm ngập úng cần hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục -Ảnh: Lê Đình Dũng
Thành phố đã tiếp tục xóa thêm10 điểm ngập sâu/36 điểm, thống nhất chủ trương triển khai thực hiện 26 công trình xử lý ngập úng trong năm 2018 với tổng kinh phí khoảng 1.078 tỉ đồng.
Đà Nẵngcũng chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, cải tạo nâng cấp tuyến DT601, dự án cải thiện hạ tầng giao thông thành phố vay vốn quỹ OFID; đề xuất cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng, nút giao đường Duy Tân và đường 2/9, nút giao phía tây cầu Tiên Sơn, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành; xây dựng một số bãi đỗ xe nổi; dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh…
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng