Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: ‘Đường hỏng do không có xe lưu thông’
Sự kiện - Ngày đăng : 14:30, 05/12/2017
Ngày 5.12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
Chưa phát hiện việc rút ruột công trình
Tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh, hiện nay hàng loạt công trình giao thông mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Điển hình là đường Trần Văn Giàu, đường dẫn cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đường Nguyễn Hữu Thọ…
Do đó, đại biểu này đã đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM (Sở GTVT) cho biết đường hỏng là do trình độ thi công của nhà thầu hay do giám sát lỏng lẻo. Có hay không việc rút ruột công trình trong quá trình thi công?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường thừa nhận, chất lượng công trình ở nhiều dự án giao thông ở cửa ngõ thành phố kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển đang có hiện tượng xuống cấp. Trong đó, có đường Trần Văn Giàu, đường dẫn cao tốc Trung Lương, đường Nguyễn Hữu Thọ nối khu công nghiệp Hiệp Phước.
Theo ông Cường, đây là những đường mới được xây dựng trên nền đất yếu và được triển khai lập thiết kế khảo sát từ nhiều năm trước. Đơn cử như đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương là dự án do Bộ GTVT đầu tư và thực hiện. Tất cả dự án đều thực hiện trên nền đất yếu, nếu khi sử dụng bị lún thì sẽ sửa chữa.
"Quan điểm thiết kế này khác với cách đang sử dụng hiện nay. Đối với các công trình, nhà đầu tư sẽ xử lý nền đất yếu một lần để sau này không chịu lún nữa, dù chi phí có cao hơn. Chẳng hạn như xây dựng các tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm", ông Cường cho biết.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến đường lún là do ngay từ đầu, những đường này không được thảm nhựa mà chỉ láng nhựa. Khi khai thác, lưu lượng giao thông tăng cao thì đường lún. Mặt khác, các công trình thoát nước không đồng bộ cũng gây ngập úng cũng dẫn đến hỏng đường.
Đặc biệt, ông Bùi Xuân Cường còn cho rằng, những đường không được sử dụng cũng đứng trước nguy cơ hư hỏng cao.
“Đường Trần Văn Giàu được thiết kế để kết nối với cầu nhưng do giải phóng mặt bằng chậm nên đoạn đường này không được lưu thông. Đường không lưu thông, nhựa không nổi lên dẫn đến hỏng đường”, ông Cường nói. Còn về chuyện có rút ruột công trình hay không, ông Cường khẳng định chưa phát hiện được.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Quang Thắng cũng đặt câu hỏi xung quanh dự án cầu Bình Tiên. Đây là dự án lớn với tổng vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng nhưng đã trễ hạn 7 năm. Hiện nay, thành phố đã tìm được 4 nhà đầu tư nên đại biểu này hỏi về năng lực của 4 nhà đầu tư này như thế nào và nếu mọi chuyện suôn sẻ sau 36 tháng triển khai dự án có hoàn thành đưa vào sử dụng được hay không?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Bùi Xuân Cường nói rằng, Sở đã chọn được hai liên danh nhà thầu theo hình thức BT. Do dự án này đã được thông qua trước đó nên không phải chờ quy chế về đầu tư BT của TP.HCM. Với dự án này, thành phố sẽ trả 67% chi phí bằng quỹ đất, số còn lại trả chậm bằng tiền mặt. Dự kiến, cầu Bình Tiên sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Các đại biểu HĐND TP.HCM chất vấn trong phiên sáng 5.12 - Ảnh: Phan Diệu
Cần chấm điểm cho trường mầm non
Một vấn đề khác cũng được đại biểu HĐND TP.HCM quan tâm trong buổi thảo luận sáng 5.12 là chất lượng các trường mầm non.
Trong đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu phản ánh, đề án đô thị thông minh có 9 lĩnh vực cho người dân quan tâm, góp ý nhưng lại không cólĩnh vực người dân quan tâm nhất là giáo dục. Đại biểu này nói rằng nhà nước không thể ôm hết mà phải tạo cơ chế để chia sẻ với người dân, nhất là ở cấp mầm non trong khi vấn đề xã hội hóa mà người dân tham gia trong lĩnh vực này là rất lớn.
“Thành phố phải làm sao để người dân biết có bao nhiêu nhà trẻ công lập, dân lập trên địa bàn quận? Chất lượng các trường mầm non này như thế nào để người dân chọn lựa. Trường mầm non này có chất lượng 5 điểm, trường kia 6 điểm chẳng hạn. Dựa trên số điểm đánh giá người dân lựa chọn cho con em vào học và giám sát. Nếu thí điểm thành công có thể mời gọi tham gia xã hội hóa.
Thành phố trước mắt cần thí điểm ở các quận có dân nhập cư đông. Chúng ta quản lý không chặt chẽ mới có câu chuyện ở Trường mầm non Mầm Xanh. Nếu ngành giáo dục tham gia quản lý tốt sẽ không có chuyện đi kiểm tra trường mầm non mà phải chạy lòng vòng tìm địa chỉ, phải hỏi người dân và bị lộ thông tin. Ngành giáo dục quản lý chưa hệ thống hóa nhưng lại không tận dụng đề án thông minh”, bà Châu đề xuất.
Các đại biểu tham gia kỳ họp HĐND TP.HCM - Ảnh: Phan Diệu
Quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước bị buông lỏng
Đại biểu Cao Thanh Bình cũng đặt vấn đề có tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng nhà đất công. Theo ông Bình, số địa chỉ nhà đất đã được thống kê và đề xuất phương án xử lý ở thành phố hiện rất lớn, 12.834 địa chỉ với 244.184.549m2. TP.HCM đã bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 625 địa chỉ, thu về 10.789 tỉ đồng cho ngân sách để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn được hình thành qua nhiều giai đoạn, nhiều nguồn quản lý khác nhau và có nơi bị buông lỏng trong thời gian dài. Do đó, gây khó khăn cho quản lý kê khai. Việc buông lỏng quản lý khiến các hộ xung quanh lấn chiếm, khiếu nại, đến nay không thu hồi được. Ngoài ra, nhà đất ở các quận huyện đang cho thuê với nhiều mức giá khác nhau.
“Ở Thủ Đức cho thuê theo giá thị trường, Tân Bình lại cho thuê giá từ chục năm trước, dẫn tới lãng phí lớn. Tôi kiến nghị trong thời gian tới tập trung các giải pháp, đồng bộ cách quản lý. Nếu không xem xét lại thì đây là sự lãng phí rất lớn", ông Bình nói.
Phan Diệu