Nhìn lại trách nhiệm của Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang trong vụ BOT Cai Lậy
Sự kiện - Ngày đăng : 18:59, 05/12/2017
Lần lại hồ sơ cũ
Tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí 1 tháng để các Bộ, ngànhxem xét mọi vấn đề trình Chính phủ giải quyết vào tối 4.12 khiến giới tài xế và người dân trong khu vực hết sức vui mừng.
Ông Nguyễn Văn Xuân, tài xế xe tải ở tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ: “Mỗi năm tui đóng phí giao thông, bảo trì đường bộ hơn 2 triệu đồng, nhưng đi qua địa phận 2 huyện Cái Bè, Cai Lậy phải tiếp tục đóng phí nâng cấp mặt đường quốc lộ 1 cho BOT Cai Lậy là hết sức vô lý, bất công. Tui rất mong sau thời gian tạm dừng thu phí, Thủ tướng chỉ đạo phải dời Trạm BOT vào đường tránh Cai Lậy đúng như bản chất của nó cho người dân được nhờ”.
Ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu trạm BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phát biểu trước báo giới rằng trong vụ BOT Cai Lậy ai có sai phạm sẽ bị kỷ luật, kể cả bản thân Bộ trưởng.
Phát biểu của ông Thể khiến mọi người hả lòng hả dạ, chờ xem ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong vụ này. Nhưng như Một Thế Giới từng thông tin, trước khi dự án tuyến tránh quốc lộ 1A qua TT.Cai Lậy được phê duyệt,ngày 19.9.2013, ông Thể lúc đó làThứ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT.
Văn bản ban đầu của Bộ GTVT cũng không đề cập việc nâng cấp quốc lộ 1 - Ảnh: Thanh Vinh
Trong danh mục ghi rõ dự án chỉ có duy nhất hạng mục tuyến tránh TT.Cai Lậy chiều dài 12km, nền đường rộng 12m, có 2 làn xe. Sau đó Bộ KHĐT có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết thống nhất với Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai dự án theo hình thức BOT.
Tiếp đó tháng 11.2013, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư và chỉ đề cập đến tuyến tránh Cai Lậy. Nhưng đến ngày 19.12.2013 ông Thể ký quyết định phê duyệt dự án, ngoài hợp phần chính là tuyến tránh dài 12kmlại có thêm hợp phần “tăng cường mặt đường quốc lộ 1A qua Tiền Giang dài 26,5km, từ km 1987+ 560 đến km 2014”.
Nhiều thông tin cho biết, trước khi phê duyệt dự án, ngày 28.10.2013 Bộ GTVT đã gửi nhiều vănbản hỏa tốc tới HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đề nghị thống nhất vị trí đặt trạm thu phí với 2 phương án.
Cụ thểphương án 1 cho thấy nếu đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính, thời gian thu phí khoảng 10 năm. Trong phương án này bao gồm cảphần “tăng cường mặt đường quốc lộ 1A để hợp thức hóa việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ ở vị trí hiện nay.
Phương án 2 là đặt trạm thu phí trong tuyến tránh, nhưng hiệu quả tài chính thấp, thời gian thu phí trên 30 năm, không giải quyết được ùn tắc trong TT.Cai Lậy. Phương án 2sau đó không được chọn.
Trách nhiệm của Tiền Giang?
Sau khi xảy ra việc người dân liên tục phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế toàn vùng ĐBSCL, chiều 4.12, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thừa nhận UBND tỉnh không lường được hết diễn biến sự việc và hiện nay sự hỗn loạn tại Trạm BOT Cai Lậy đã vượt ngoài tầm kiểm soát của tỉnh.
Vị trí đặt trạm được Đoàn đại biểu Quốc hội Tiền Giang đề xuất? - Ảnh: Thanh Vinh
Vậy UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này? Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 30.8.2013, bà Trần Kim Mai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký văn bản số 3901 gửi Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TT.Cai Lậy.
Văn bản nêu:“Giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua TT.Cai Lậy phức tạp, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là tai nạn giao thông trên địa bàn xảy ra tập trung ở đoạn qua TT.Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang cũng đang thực hiện quy hoạch để trình Chính phủ thành lập TX.Cai Lậy trên cơ sở nâng cấp từ TT.Cai Lậy, vì vậy việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết và cấp bách...”.
Và văn bản này giới thiệu luôn nhà đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty CP Tân Hoàn Cầu.
Đến ngày 6.11.2013 ông Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, ký văn bản 379/ĐĐBQH-VP gửi Bộ GTVT nêu rõ:“Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thống nhất chủ trương về vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh TT.Cai Lậy trên quốc lộ 1 tại lý trình Km 1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Đề nghị khi làm dự án này, đồng thời với việc xây dựng tuyến tránh phải kết hợp tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc quốc lộ 1 đoạn qua TT.Cai Lậy…”.
Văn bản của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đồng ý vị trí đặt Trạm thu phí trên quốc lộ 1A, dân đến sự phản ứng quyết liệt của người dân - Ảnh: Thanh Anh
Trước đó, ngày 2.10.2015 ông Lê Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, có văn bản xác định vị trí Trạm thu phí BOT Cai Lậy tại Km1999+900 gặp khó về giải phóng mặt bằng nên đề xuất dời trạm đến km 1999+ 300, cũng trên quốc lộ 1A.
Từ lúcBộ GTVT gửi nhiều vănbản hỏa tốc tới HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đề nghị thống nhất vị trí đặt trạm thu phí với 2 phương án (vào 28.10.2013) cho đến lúcông Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, ký văn bản 379/ĐĐBQH-VP gửi Bộ GTVT nêu việc chọn phương án (vào 6.11.2013) chỉ hơn một tuần. Liệu trong khoảng thời gian đó, Tiền Giang có kịptham khảo ý kiến người dân một cách rộng rãitrước khi quyết định hay không?
Thanh Anh