Việt Nam phải đóng vai trò là một nhà cung ứng trong cuộc cách mạng 4.0
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:16, 06/12/2017
Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017), Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho rằng, để có thể tiếp cận thành công cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Trên thế giới, các nước cũng đã có những chiến lược riêng để phát triển công nghiệp 4.0. Điển hình như Đức đã xây dựng Chiến lược Industrie 4.0 để tiến lên phía trước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 với trọng tâm là sản xuất thông minh. Chính phủ Đức đầu tư 200 triệu Euro cho nghiên cứu các công nghệ trong lĩnh vực này. Cùng với đó, các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đều xây dựng chiến lược phát triển riêng với những khoản đầu tư ngân sách rất lớn cho công cuộc này.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương trình bày báo cáo tại hội thảo - Ảnh: Thu Anh
Thứ trưởng cho rằng cách tiếp cận của các quốc gia trên thế giới là tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy số hóa… như nâng cấp hạ tầng truyền thông băng thông rộng, các chương trình nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, Internet vạn vật…
Về chính sách, các nước phát triển có chính sách bảo vệ và thúc đẩy sử dụng tài sản trí tuệ; hỗ trợ kinh phí hoặc lãi suất vay cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Ngoài ra, họ cũng xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai Industry 4.0, kết nối doanh nghiệp, viện, trường thử nghiệm các sản phẩm mới, đào tạo nhân lực, thí điểm chính sách đối với Industry 4.0.
Sự tiếp cận của Việt Nam còn rời rạc, thiếu kết nối
Quay trở lại với tình hình của Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nêu rõ: “Tuy chưa có chiến lược riêng về thúc đẩy Công nghiệp 4.0, nhưng trong từng lĩnh vực liên quan, Việt Nam đã có những định hướng và chiến lược cụ thể. Điển hình như các chiến lược phát triển CNTT - Truyền thông Việt Nam; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 với việc xác định các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: CNTT - TT, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hóa…”
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Công nghiệp thông minh một mặt mở ra cho chúng ta cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sự chuyển đổi của nền công nghiệp đang thâm dụng vốn và lao động của chúng ta. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp bắt buộc phải có sự chuyển đổi; nâng cao năng lực để tiếp cận phù hợp để chủ động tận dụng cơ hội”.Theo Thủ tướng, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực. Tuy nhiên, sự tiếp cận còn rời rạc, thiếu kết nối.
Sự kiện quy tụ nhiều diễn giả trong nước và quốc tế - Ảnh: Thu Anh
Trước sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như những phân tích từ phía Bộ KH&CN, Thứ trưởng Phạm Đại Dương thay mặt Bộ KH&CN khuyến nghị:
Nhà nước cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách. Đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển công nghiệp 4.0, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hóa, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Quyết liệt đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề. Phát triển một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia.
Có chiến lược hợp tác cụ thể với các quốc gia đi đầu trong khu vực để cùng phát triển những thế mạnh của mình, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cần sự chung tay của nhóm các chuyên gia cao cấp từ các khối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và Chính phủ để khảo sát, đánh giá lại hiện trạng sẵn sàng với công nghiệp 4.0 của Việt Nam; dự báo một số kịch bản tác động của công nghiệp 4.0 tới Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận Công nghiệp 4.0 một cách rõ ràng hơn cho Việt Nam.
Thu Anh