Mỹ cải cách thuế: Tin xấu với kinh tế Trung Quốc?
Quốc tế - Ngày đăng : 12:42, 08/12/2017
Các quan chức và chuyên gia của Trung Quốc có lẽ đang là những người cảm thấy hoang mang nhất trước thông tin về cuộc cải cách thuế lớn nhất của Mỹ trong vòng 3 thập kỷ qua ở thời điểm hiện tại. Sự hoang mang đó bao gồm những lo ngại về các tác động tiêu cực với nền kinh tế và thị trường Trung Quốc, và cả những cơ hội để Bắc Kinh có thể tìm được thời điểm thuận lợi để thúc đẩy cải cách trong nước.
Quyết định bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ vào ngày thứ Bảy hiểu một cách đơn giản sẽ không chỉ là một vấn đề của nền kinh tế Mỹ, mà còn là vấn đề của nền kinh tế toàn cầu. Mức thuế doanh nghiệp sẽ giảm từ 35% xuống còn 20% và giảm thuế tạm thời với một phần lớn người dân Mỹ. Điều này có thể tạo ra những tác động sâu rộng: sự điều chỉnh này có thể khiến tỷ giá đồng USD tăng cao đáng kể do dòng vốn hồi hương để hưởng lợi từ sự thay đổi, cũng như từ sự tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá đồng USD tăng cao sẽ dẫn đến áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, hiện đang là đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chưa kể, một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn ở Mỹ cũng sẽ đặt ra những thách thức đáng kể đối với năng lực cạnh tranh kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm chi phí lao động của nước này đã tăng lên đáng kể. Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn đang chưa có lời giải cho bài toán này trên thực tế, trong khi các lợi thế đàm phán của Trung Quốc với Mỹ như đàm phán về vấn đề Bắc Triều Tiên để đổi lấy sự trì hoãn những sức ép về vấn đề thương mại của Washington đang ngày càng cạn dần.
Bài xã luận trên trang Century Business Herald vào ngày thứ Ba vừa qua đã chỉ ra một cách tổng quát những tác động mà cuộc cải cách thuế của Mỹ có thể gây ra với Trung Quốc: “Việc cắt giảm thuế ở Mỹ sẽ nhanh chóng tạo ra một thách thức đối với quá trình đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất ở Trung Quốc mà nước này nên phải e dè. Nước Mỹ sẽ phải nhìn nhận được những tác động về dài hạn của việc cắt giảm thuế và phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Tương tự, nó cũng sẽ đóng vai trò một tác nhân quan trọng với những nỗ lực cải cách của Trung Quốc''.
Raymond Yeung, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Corp có trụ sở ở Hồng Kông (TQ), cho biết: “Đối với các nhà đầu tư, việc giảm thuế doanh nghiệp ở Mỹ xuống còn 20% có thể sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ dòng tiền của các công ty Mỹ ở Trung Quốc – nơi họ đang bị đánh thuế 25%. Chính phủ Trung Quốc sẽ cần thận trọng đánh giá những tác động có thể xảy ra với đồng nhân dân tệ''.
Đồng nhân dân tệ trước đó cũng không có được trạng thái ổn định so với tỷ giá của đồng USD. Tỷ giá nhân dân tệ/USD sụt giảm mạnh nhất vào thời điểm ngày 3.11 vừa qua, vốn là một dấu mốc kể từ khi đồng nội tệ của Trung Quốc bắt đầu thoái trào so với USD từ năm 2015. Ông Raymond Yeung cho rằng: “Trong số năm trụ cột của Trung Quốc về cải cách cơ cấu cung, trọng tâm cho đến nay là về cắt giảm tài sản, giảm công suất dư thừa. Để tăng khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, Trung Quốc sẽ buộc phải tìm ra lời giải cho bài toán cải thiện môi trường vốn đang làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp nước này''.
Tuy nhiên, cũng có những đánh giá trái chiều về vấn đề này. Cui Li, chuyên gia kinh tế vĩ mô của tập đoàn CCB International Holdings Ltd có trụ sở ở Hồng Kông, cho rằng: “Việc cắt giảm thuế của chính phủ Donald Trump sẽ không có tác động lớn bởi thuế doanh nghiệp hiện nay có hiệu quả thấp hơn 35%. Những tác động từ điều này sẽ ít rõ ràng hơn vì nền kinh tế Mỹ đang có xu hướng hồi phục.” Cùng quan điểm đó, Mei Xinyu – nhà nghiên cứu thuộc Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc, trong một bài báo ở tờ Nhân dân Nhật báo ngày thứ Hai vừa qua, cho rằng động thái giảm thuế của Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chương trình cải cách của Trung Quốc, mặc dù áp lực về cán cân thanh toán, tiền tệ, dự trữ ngoại hối và chính sách tỷ giá là có thật.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trở nên phức tạp hơn trong năm 2017 với những tin đồn về một cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra. Sức ép từ phía Washington nhằm buộc Trung Quốc nới lỏng các quy định về thương mại vẫn tiếp tục được duy trì, với sự kiện gần nhất là Mỹ đã từ chối đề xuất của Trung Quốc yêu cầu công nhận nước này có nền kinh tế thị trường trong tháng vừa qua.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao trong bài phát biểu gần nhất đã cho biết, chính phủ nước này sẽ không bỏ qua những tác động từ sự thay đổi chính sách thuế của Mỹ. Ông Zhu cho biết: “Trung Quốc cần đối phó với điều này bằng cách nâng cao năng suất, từ đó nâng sức cạnh tranh và đem lại lợi ích cho người lao động và người dân. Chính sách thuế sẽ ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc quyết định các chính sách kinh tế vĩ mô.” Điều này có thể hàm ý một động thái đáp trả từ phía Trung Quốc hay không vẫn đang là một dấu hỏi ngỏ.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)