Bộ Nội vụ thông tin thêm về vụ thất lạc hồ sơ Trịnh Xuân Thanh
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:49, 13/12/2017
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng không phụ trách VụChính quyền địa phương
Liên quan đến thông tin về vụ thất lạc hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, vào tháng 6.2016, sau đợt bầu cử đại biểu quốc hội, HĐND thì phát hiện vụ xe biển xanh của Trịnh Xuân Thanh. Tổng bí thư đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xem xét.
Ông Thăng khẳng định, theo phân công lĩnh vực, từ tháng 4.2016, ông Thăng không phụ trách Vụ Chính quyền địa phương.
“Khi có vụ việc như vậy, tôi báo cáo Bộ trưởng đề nghị Vụ Chính quyền địa phương báo cáo lại hồ sơ đó để xem bút tích của lãnh đạo Bộ phê như thế nào và đề xuất của Vụ Chính quyền địa phương về trường hợp này như thế nào. Lúc đó anh em báo là không tìm thấy. Tức là tại thời điểm phát hiện ra mất hồ sơ thì tôi không phụ trách", Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay.
Ông Thăng cũng cho biết, Ủyban Kiểm tra Trung ương cũng đặt vấn đề về hồ sơ này. Trong kết luận, Ủyban Kiểm tra cũng nói rằng nếu cần thiết Bộ Nội vụ mời công an vào điều tra. “Tháng 7.2017, trả lời báo chí tại phiên họp thường kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng nói về vấn đề này. Khi làm rõ sẽ xử lý theo pháp luật, vì đây là hồ sơ cán bộ, phải đảm bảo theo đúng quy định về văn thư lưu trữ và quy chế làm việc của Bộ, của đơn vị”, ông Thăng nói, “Xem trên facebook, xem trên báo có nhiều người nói mất hồ sơ này ai được lợi, ai thiệt, trách nhiệm thuộc về ai? Nay tôi trả lời rõ ràng như vậy. Đương nhiên, tại thời điểm mất hồ sơ, tôi không phụ trách Vụ Chính quyền địa phương”.
Liên quan vấn đề này, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11.2017 vào đầu tháng 12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biếtquy định về quản lý hồ sơ trước hết phải thực hiện theo pháp luật về lưu trữ, theo quy chế làm việc của Bộ Nội vụ và các bộ. Theo tinh thần đó, cơ quan trình phải chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ theo quy định.
Công bố kết quả thi tuyển vào cuối tháng 12
Trả lời việc thi tuyển chức danh phó vụ trưởng một số vụ tại Bộ Nội vụ, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Đình Lộc cho biết, sau khi thông báo, Bộ Nội vụ đã nhận được 14 hồ sơ đăng ký dự tuyển. 6 hồ sơ đăng ký dự tuyển thi vào chức danh Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trong đó có 5 công chức đang công tác tại vụ và một công chức đang công tác tại một đơn vị khác thuộc Bộ.
Theo ông, có 4 hồ sơ đăng ký thi vào chức danh Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương. Trong đó có 3 công chức đang công tác tại Vụ và một công chức đang công tác tại Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ). Chức danh Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế có 4 hồ sơ đăng ký dự thi, cả 4 công chức này đều công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ.
Sau khi thẩm định hồ sơ, đối với chức danh Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có 5 hồ sơ đủ điều kiện, 1 hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định tại Quy chế và kế hoạch thi đã được ban hành. Đối với 4 hồ sơ đăng ký chức danh Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, có 3 hồ sơ không đủ điều kiện.
"Theo quy định buộc phải có số dư. Do vậy, vị trí thi tuyển chức danh Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương phải để lại báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ cho thi vào những đợt tiếp theo. 4 hồ sơ đăng ký dự tuyển vào chức danh Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đều đủ điều kiện theo quy định”, ông Lộc cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiến hành cho các thí sinh đủ điều kiện viết đề án và nộp lại để Hội đồng tuyển sinh chấm. Chiều 11.12, Hội đồng tổ chức buổi thi viết về kiến thức chung về quản lý nhà nước cho các thí sinh này. Theo dự kiến ngày 21.12 sẽ có buổi thi bảo vệ đề án và sau khi có kết quả sẽ tiến hành bổ nhiệm ngay nếu không có vấn đề phát sinh.
Sai phạm trong bổ nhiệm sẽ xử lý ngay
Trả lời vấn đề bổ nhiệm người nhà, người thân, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Trương Hải Long cho biết, tại thời điểm giữa năm 2017, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tổ chức đi kiểm tra vấn đề này tại 9 tỉnh, sau đó tiếp tục kiểm tra tại huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) và huyện An Dương (TP.Hải Phòng), trên cơ sở đó, Bộ đều có tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Sau đó, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương chủ động rà soát, tự tăng cường tổ chức thanh tra kiểm tra công tác tổ chức cán bộ tai cấp mình, đảm bảo đến hết năm 2017 kiểm tra được tối thiểu 30% các đơn vị.
“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như quan điểm tham mưu của Bộ Nội vụ là qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì cần xử lý ngay theo đúng quy định”, ông Long nhấn mạnh.
Về việc cán bộ thiếu các điều kiện tiêu chuẩn hoặc chưa chấp hành đúng các quy định trong công tác cán bộ thời gian qua, Phó chánh thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, qua thanh tra trực tiếp đã phát hiện một số trường hợp, chủ yếu là lãnh đạo cấp phòng thuộc sở hoặc UBND cấp huyện thiếu điều kiện tiêu chuẩn như ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước.
Hầu hết các tỉnh đã quy định cụ thể điều kiện tiêu chuẩn, trong quá trình kiểm tra chỉ còn một số trường hợp, có thể do có quá trình bổ nhiệm từ trước đây, chưa được thanh tra, kiểm tra hoặc chưa có cơ quan nào kiến nghị, nhắc nhở nên cán bộ đó không tiếp tục hoàn chỉnh các điều kiện tiêu chuẩn này.
“Chúng tôi đã kiến nghị yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát tất cả các trường hợp thiếu các điều kiện tiêu chuẩn, chức danh và đề nghị cử đi học. Những trường hợp nào khi bổ nhiệm lại mà không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì không xem xét bổ nhiệm lại”, ông Nguyễn Mạnh Khương khẳng định.
Hoài Phong