Có nên tiếp tục miễn phí cho sinh viên sư phạm?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:14, 13/12/2017

Đó là nội dung được đưa ra để tranh luận trong hội thảo khoa học “Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên”.

Sáng 13.12, Hội thảo khoa học chuyên đề “Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên” do Văn phòng chương trình khoa học giáo dục - Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức đã có nhiều ý kiến tranh luận khá sôi nổi về chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Bà Khiếu Thị Nhàn - chánh văn phòng chương trình khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã ban hành và thực thi nhiều chính sách liên quan đến việc phát triển đội ngũ giáo viên, trong đó chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã có nhiều tác động tích cực.

Tuy nhiên, trên thực tế những năm gần đây một số ngành sư phạm có điểm chuẩn đầu vào tương đối thấp dẫn đến sự lo lắng, băn khoăn về chất lượng đào tạo sư phạm.

Bà Khiếu Thị Nhàn chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, bên cạnh các ý kiến, tham luận đồng tình việc tiếp tục bao cấp học phí cho các trường sư phạm, còn xuất hiện những tranh luận trái chiều đáng chú ý.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đề nghị: “Phải bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bởi điều này gây bất công với những học sinh đóng học phí”.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia trong hội thảo. Thạc sĩ Huỳnh Cát Dung, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM cũng ủng hộ quan điểm nên xóa bỏ chế độ cấp bù học phí vì cho rằng gây ảnh hưởng tiêu cực đến động cơ học tập của sinh viên, gây giảm cảm xúc của người học, mất, giảm sút niềm tin vào ngành học, dựa trên việc phân tích thuyết hoạt động và thuyết công bằng.

Ông Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cũng đồng tình việc bỏ chính sách miễn học phí nhưng phải có lộ trình cụ thể phù hợp và phải có điều kiện nghiên cứu ở cấp Nhà nước đi kèm.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1998, tuy nhiên đến nay hầu như chưa có công trình nghiên cứu có hệ thống và chuyên sâu nào về tác động của chính sách này đối với động cơ học tập của sinh viên sư phạm.

“Cần xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc, công bằng và thấu đáo về chính sách này. Khuynh hướng điều chỉnh chính sách bằng những giải pháp khác là điều cần cân nhắc.

Tuy nhiên cần đảm bảo hướng đến chính sách cho đầu ra về lương bổng song song với sự chuyển đổi hình thức hay chọn lọc trọng điểm cho nhóm sinh viên có tiềm lực trở thành giáo viên giỏi sẽ có thể là lựa chọn hiệu quả.

Đây là vấn đề quan trọng mà chính sách không thu học phí sinh viên sư phạm ở Việt Nam cần xem xét và định hướng điều chỉnh hay thay đổi cấp thiết”, ông Sơn kiến nghị.

Sơn Phạm - Ảnh Thanh Huân

Sơn Phạm