Trung Quốc lấy DNA của tất cả dân khu tự trị Tân Cương
Quốc tế - Ngày đăng : 18:38, 14/12/2017
Các quan chức cũng xây dựng một kho dữ liệu quét mống mắt và mẫu máu của từng người Duy Ngô Nhĩ từ 12 đến 65 tuổi, nhằm nắm chặt địa bàn thường xảy ra những vụ bất ổn. Đối với người thuộc nhóm “đối tượng cần chú ý” (là những người bị chính phủ xem là đối tượng nguy hiểm) thì các dữ liệu sinh trắc học của họ được lấy bất chấp tuổi tác.
Theo tổ chức Giám sát nhân quyền (Human Rights Watch) các dữ liệu có thể dùng để “kiểm soát người dân vì những vấn đề liên quan chủng tộc, tôn giáo, tư tưởng hoặc các quyền được bảo vệ như tự do ngôn luận”.
Một phần của "bộ sưu tập" này được thực hiện thông qua việc khám sức khỏe cộng đồng do chính phủ tổ chức, và không rõ liệu người được khámcó biết việc bị chuyển dữ liệu sinh trắc học cho công an hay không.
Về mặt chính thức, việc khám sức khỏe là tình nguyện, nhưng một người Duy Ngô Nhĩ nói rằng cán bộ địa phương “yêu cầu họ phải tham gia”, và một bài báo địa phương kể chuyện khuyến khích cán bộ “tích cực động viên nhân dân hăng hái tham gia” cuộc khám sức khỏe có tên “Sức khỏe cho mọi người”.
Theo Tân Hoa Xã, chương trình này đã có gần 19 triệu người tham gia khám sức khỏe trong năm 2017
Sophie Richardson, trưởng nhánh Trung Quốc của tổ chứcGiám sát nhân quyềnnói: “Việc bắt buộc cung cấp toàn bộ dữ liệu sinh trắc học gồm DNA của người dân là vi phạm trắng trợn những chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Đáng phẫn nộ nếu như hoạt động này lén lút, dưới vỏ bọc một chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí”.
Bà Sophie nói thêm: “Chính quyền Tân Cương nên đặt lại tên cho chương trình khám sức khỏe là “Vi phạm quyền riêng tư của mọi người”, khi mà sự đồng thuận và sự lựa chọn thực sự của người dân xem ra không có trong chương trình này”.
Cán bộ chính quyền Tân Cương nói chương trình nhằm cải thiện các chính sách xóa đói giảm nghèo. Họ cũng nói chương trình nhằm “ổn định xã hội”.
Vẫn theo tổ chức Giám sát nhân quyền,nhằm thu thập dữ liệu sinh trắc học của hàng triệu dân, công an Tân Cương mua những giải trình DNA của Công ty Thermo Fisher Scientific (Mỹ). Công ty này từ chối đề cập sản phẩm của họ được dùng ở Tân Cương, chỉ nói: “Chúng tôi kỳ vọng tất cả các khách hàng hành xử theo đúng quyđịnh và hướng dẫn đạt chuẩn công nghiệp tốt nhất”.
Việc thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng áp dụng với người gốc Tân Cương nhưng đã chuyển đến những nơi khác ở Trung Quốc, nơi mà họ sẽ được yêu cầu trình thông tin về họ với chính quyền địa phương.
Theo báo Guardian ngày 13.12, Tân Cương là một trong những khu vực bị kiểm soát chặt nhất ở Trung Quốc, với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ (nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và theo đạo Hồi) bị chú ý kỹ trong vài năm qua.
Quân đội được vũ trang hạng nặng tuần tra các đường phố là hình ảnh phổ biến, và chính quyền thường tổ chức mít tinh lớn để kêu gọi sự ủng hộ cuộc đấu tranh chống những phần tử Hồi giáo cực đoan, là những nhóm bị Bắc Kinh quytrách nhiệm tổ chức những vụ nổi loạn chống lại chính quyền và dân thường.Nhưng các tổ chức nhân quyền nóihầu hết những vụ nổi loạn là do bị kiểm soát văn hóa, tín ngưỡng, cũng như việc thiếu cơ hội làm kinh tế ở vùng đất nghèo Tân Cương.
Sự bất mãn bùng nổ nơi người Duy Ngô Nhĩ, liên tục xảy ra những vụ bạo lực giữa sắc tộc này với người Hán, bất chấp chính phủ liên tục trấn áp và đầu tư hàng tỉUSD để dẹpsự bất mãn này.Tộc người Duy Ngô Nhĩ thường phàn nàn người Hán ngày càng được đưa nhiều đến đây, chiếm hết việc làm được trả lương cao của người địa phương.
Trung Trực (theo Guardian)