Mỹ xem Nga, Trung là ‘đối thủ’ trong chiến lược an ninh mới
Quốc tế - Ngày đăng : 18:19, 19/12/2017
Tài liệu 68 trang được công bố và bài phát biểu sau đó của Tổng thống đã đề ra 4 trụ cột chính của chính sách đối ngoại Mỹ thời gian tới, bao gồm: bảo vệ an ninh nội địa Mỹ bằng cách siết chặt nhập cư, thúc đẩy sựthịnh vượng của Mỹ thông qua gây sức ép với các đối tác để đòi thương mại cân bằng hơn, duy trì hòa bình bằng sức mạnh quân sự, và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên phạm vị toàn cầu.
Dựa trên 4 trụ cột trên, chiến lược an ninh quốc gia mới đề ra một số điểm chính sau:
Thứ nhất, bản chiếc lược lập luận rằng an ninh kinh tế rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, do đó cách tiếp cận “nước Mỹ là trên hết” sẽ là kim chỉ nam cho công tác hoạch định chính sách đối ngoại. Tài liệu nêu rõ tình trạng thương mại mất cân bằng giữa Mỹ với các quốc gia khác và “sự xâm lược kinh tế” của các nước như Trung Quốc là những lo ngại chính cho an ninh quốc gia.
Tài liệu khẳng định Washington sẽ đảm bảo thương mại là công bằng và có qua có lại, nên “sẽ không còn nhắm mắt để cho những vi vi phạm, gian lận và xâm lược kinh tế xảy ra nữa”.
Thứ hai, chiến lược an ninh mới xác định Nga và Trung Quốc là hai “thế lực đối thủ”. Tài liệu viết: “Hai quốc gia này thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích Mỹ, cố gắng làm xói mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Họ quyết làm cho kinh tế ít tự do và công bằng hơn, phát triển quân đội, kiểm soát thông tin và dữ liệu, mở rộng ảnh hưởng”.
Trung Quốc trở thành đối tượng công kích chính khi bản chiến lược nói về an ninh kinh tế Mỹ. Trong tài liệu liên tục nhắc đến những hoạt động kinh tế phi pháp của Bắc Kinh, như ăn cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.
Với Nga, bản chiếc lược hướng sự chú ý đến những hành động gây bất ổn của Moscow trên toàn cầu, bao gồm sự can thiệp của nước này ở Ukraine và Georgia.
Thứ ba, chiến lược an ninh xác định đứng đầu trong các mối đe dọa đối với nước Mỹ lần lượt là “các chế độ lừa đảo” và chủ nghĩa khủng bố. Tài liệu nêu tên “các chế độ lừa đảo” là CHDCND Triều Tiên và Iran.
Cụ thể, tài liệu cho biết các hoạt động của tên lửa và vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng đã trở thành lo ngại an ninh chủ yếu nhất trong nhiệm kì của ông Trump, trong khi sự ủng hộ của Iran dành cho những phần tử khủng bố và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông của nước này cũng là những vấn đề đáng lo chính.
Để đối mặt với chủ nghĩa khủng bố, chiến lược an ninh kêu gọi duy trì những hoạt động chống các tổ chức khủng bố như IS của quân đội Mỹ lẫn tình trạng bị cực đoan hóa trong nước Mỹ.
Ngoài hai mối đe dọa trên, chiến lược an ninh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng và thực hiện các quy định nhập cư. Tài liệu cũng nhắc lại đề nghị xây bức tường biên giới Mỹ-Mexico của Tổng thống Trump.
Cuối cùng, luận điểm “biến đổi khí hậu là mối đe dọa với an ninh quốc gia” của chính quyền ông Obama đã không xuất hiện trong chiến lược an ninh mới. Bản chiến lược chỉ nhắc sơ qua “tầm quan trọng của quản lý môi trường” trong một phần nói về “sự thống trị về năng lượng”, bao gồm việc khai thác những nguồn năng lượng nội địa của Mỹ như than đá, khí đốt và xăng dầu.
Trong bài phát biểu sau khi chiến lược an ninh quốc gia được công bố, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ hiện phải đối mặt với “một thế giới nguy hiểm bất thường”, và một trong những mục tiêu của ông là phải đảm bảo Mỹ một lần nữa lãnh đạo thế giới.
“Mỹ đang trở lại, và đang trở lại mạnh mẽ”, ông Trump khẳng định.
Tuy tài liệu chiến lược an ninh rất nhiều lần nhắc đến Nga, nhưng Tổng thống Mỹ khi phát biểu chỉ có 2 lần đề cập, một lần khi ông gọi Nga và Trung Quốc là “các thế lực đối thủ”, cùng một lần ông nhắc đến cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17.12, đài CNN cho biết.
Ngoài ra, ông cũng thừa dịp phát biểu này để chỉ trích chính quyền tiền nhiệm. Theo ông Trump: “Họ bỏ mặc mối đe dọa hạt nhân ở Triều Tiên, ký một thỏa thuận yếu ớt, thảm họa và không thể hiểu được với Iran, và cho phép những kẻ khủng bố như IS chiếm phần lớn lãnh thổ khắp Trung Đông”.
Cẩm Bình (theo CNN, Fox News)