Mai Linh phải chịu trách nhiệm cho sai lầm chiến lược của mình
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:06, 19/01/2018
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh gửi đơn cứu xét đến Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban này cho biết: Đây là việc của công ty và cơ quan bảo hiểm. Hai bên nên làm việc với nhau về vấn đề này.
Cũng trả lời Một Thế Giới, ĐBQH Đặng Thuần Phong -Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - người được Công ty Mai Linh gửi đơn cứu xét cũng cho biết bản thân không phụ trách lĩnh vực này nên không thể giải quyết đơn của Mai Linh.
Ở một diễn biến khác liên quan, ông Nguyễn Trí Đại Trưởng ban Thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) trả lời báo chí rằngcơ quan bảo hiểm đã nhận được kiến nghị của Mai Linh về khoản nợ của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên,cơ quan nàychỉ tổ chức thực hiện thu BHXH, BHTN, BHYT chứ không có thẩm quyền khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị như trong trường hợp của Mai Linh. Thẩm quyền này thuộc về Chính phủ, áp dụng theo quy định tại khoản 7, điều 10 luật BHXH năm 2014.
Về phía mình, sau khi thông tin được báo chí đăng, ông Hồ Huy Chủ tịch Mai Linh nói doanh nghiệp của mình không nợ BHYT, BHXH hay thuế quá hạn mà thanh toán đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Về văn bản kiến nghị lên cơ quan nhà nước, ông Huy cho biết đây là số nợ cũ của các công ty con của tập đoàn như Công ty cổ phần Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lỗ 24 tỉ đồng khi đầu tư vào Đèo Cả, khi khủng hoảng thì rút vốn và chưa có tiền trả Nhà nước; hoặc các công ty con của Mai Linh tại Nam Bộ, Tây Nam Bộ… hoạt động không hiệu quả, khủng hoảng do đợt tái cấu trúc vừa rồi thì tổng cộng nợ gốc và lãi là 180 tỉ đồng.
Ông còn nói đáng ra các công ty này phá sản thì Nhà nước cũng thất thu nhưng với tư cách là công ty mẹ, Mai Linh đã đứng ra nhận trách nhiệm và đang giải quyết dần số nợ trên. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này không được tính vào nợ gốc, nợ phát sinh mà chỉ tính vào số tiền lãi và tiền phạt chậm nộp. Do đó, Mai Linh đã gửi công văn đến Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính và BHXH xin được miễn lãi, miễn phạt nợ BHXH.
“Chúng tôi đã gửi công văn xin đừng phạt nợ cũ nữa mà khoanh nợ lại và sẽ trả trong 20 kỳ, nghĩa là 20 tháng", ông nói thêm.
Thế nhưng,căn cứ vào khoản 7, điều 10 luật BHXH năm 2014 như đại diện BHXH Việt Nam đã đưa rathì trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất - kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng BHXH thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng; nhưng vẫn phải đóng BHYT, BHTN và đóng BHXH vào các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1, điều 88 luật BHXH năm 2014.
Hết thời hạn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3, điều 122 của Luật BHXH năm 2014.
Như thế, các đơn vị thuộc Mai Linh không thuộc trường hợp nêu trên,khó có thểchấp thuận như lời ông Huy nói.
Nếu ai cũng xin hỗ trợ là không thỏa đáng
Trao đổi vớiNgười Lao Động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết chưa nắm thông tin về kiến nghị thuế của Mai Linh.
Về phía vụ chức năng, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuếnói nếu văn bản doanh nghiệp gửi về Bộ Tài chính thì bộ sẽ chuyển xuống cục, vụ chức năng.Trong trường hợp này, theo Luật Quản lý thuế sẽ do Tổng cục Thuế xử lý. Các kiến nghị về thuế đều phải được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế, không có đặc thù.
Ở góc nhìn khách quan, chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn từ Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng dù tình hình kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lãi suất cao... cũng không thể chịu trách nhiệm thay doanh nghiệp.
Bản thân doanh nghiệp khi hoạt động cần dự phòng rủi ro, có chiến lược khôn ngoan để cạnh tranh, tồn tại trên thị trường. Thực tế mỗi năm, có cả ngàn doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động và rời khỏi thị trường, nếu ai cũng xin hỗ trợ là không thỏa đáng.
Ông cho rằng một trong những sai lầm về chiến lược của Mai Linh là đầu tư ngoài ngành, cụ thể là vào bất động sản rồi sa lầy. "Mai Linh phải chịu trách nhiệm cho sai lầm chiến lược của mình".
Còn lập luận việc bị Uber, Grab cạnh tranh dẫn đến khó khăn cũng không ổn. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc cạnh tranh với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ như Uber, Grab là tất yếu; doanh nghiệp nào chậm nắm bắt xu thế về công nghệ, thị trường và chuyển mình chậm sẽ có nguy cơ bị đào thải.
"Khi gặp khó khăn như vậy đi xin được hỗ trợ, được cứu sẽ là tiền lệ xấu", ông Tuấn nói.