Học Thái Lan, dẹp các loại chai nhựa để nuôi du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 11:28, 23/12/2017
Theo Bangkok Post, Cục quản lý ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường Thái Lan đang rất mạnh tay trong việc chấm dứt sử dụng chai nước có nắp nhựa để trả lại vẻ đẹp cho bờ biển. Hiện đã có 9 nhà sản xuất nước uống ngừng dùng nắp nhựa. Theo kế hoạch thì đến 2018 sẽ có 50% nhà sản xuất nước uống nói không với nắp nhựa và đến 2019 thì sẽ đạt 100%.
Như vậy, trong vài năm tới, khi bạn đến Thái Lan nghỉ dưỡng ở các bãi biển thì sẽ không có cơ hội cầm những chai nước nắp nhựa uống nữa.
Hằng năm, Thái Lan sản xuất 4,4 tỉ chai nước trong đó có 60% sử dụng nắp đậy bằng plastic. Chiếc nắp nhựa tưởng như nhỏ bé đó nhưng đã tạo ra đến 520 tấn rác thải và nó khiến người Thái Lan không hài lòng khi nhìn ra bãi biển của mình. Họ cảm thấy xấu hổ khi được đánh giá là nước gây ô nhiễm thứ 6 về việc để chất thải nhựa ra đại dương.
Theo Cơ quan môi trường LHQ thì riêng ở châu Á, số 1 về thải đồ nhựa ra biển là Trung Quốc với 2,22 triệu tấn mỗi năm, Indonesia 1,29 triệu tấn, tiếp theo sau còn có Philippines, Việt Nam.
Theo Bangkok Post, chuyện chiếc nắp nhựa cũng chỉ là phần nổi của tảng băng môi trường. Thứ nghiêm trọng khác được Bangkok Post đưa ra là các nhà quản lý môi trường vẫn còn chậm chạp đưa ra các biện pháp chế tài mà vẫn nặng về chuyện tuyên truyền nâng cao nhận thức nhưng không đạt hiệu quả khi người tiêu dùng Thái Lan vẫn "có quyền tự do gây ô nhiễm". Người Thái đang kêu gọi các quan chức môi trường phải học tập Kenya, một đất nước châu Phi vừa đã ra lệnh cấm hoàn toàn với túi nhựa với những hình thức chế tài nghiêm khắc.
Chúng ta đều biết Thái Lan là một "cường quốc" về thu hút du lịch ở khu vực và chúng ta đang muốn học những điểm hay của họ. Người Thái Lan không hề tự mãn với thành tích trong du lịch mà vẫn luôn lo lắng để nuôi dưỡng môi trường du lịch. Việc tuyên chiến với nắp chai nhựa thể hiện quyết tâm của người Thái trong việc giữ gìn bờ biển, giữ gìn môi trường vì chỉ có một môi trường không ô nhiễm mới là thỏi nam châm hữu hiệu nhất thu hút du khách.
Người Việt Nam cũng hiểu được giá trị của môi trường trong lành có tác động quan trọng đến du lịch. Trên Diplomat, bà Võ Phương Thảo, quản lý tiếp thị và truyền thông của Paradise Cruises giải thêm: “Giờ đây, du lịch xanh không đơn thuần là việc khuyến khích bảo vệ môi trường mà nó còn là yếu tố để ghi điểm trong việc lôi kéo du khách”.
ÔngNguyễn Hoàng từng phát biểu trên Diplomat trong vai trò phó giám đốc công ty Handspan Travel Indochina: “Hiệu ứng tiêu cực (môi trường ô nhiễm) thì chưa thấy rõ lúc này nhưng sẽ đến trong tương lai. Mọi người vẫn đến Việt Nam nhưng họ sẽ không bao giờ quay trở lại. Nó sẽ tác động trong tương lai không xa nếu chúng ta không làm gì cả. Chúng ta phải hành động, ngay bây giờ".
Nhưng hành động như thế nào và những ai cần hành động? “Theo một cuộc khảo sát của Condé Nast Traveler, 93% có ý kiến cho rằng các khách sạn phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nơi họ hoạt động", Noel Cameron, giám đốc khu vực của chuỗi Minor Hotel nói.
Thực ra các khách sạn cũng có ý thức giữ sạch trong khuôn viên của họ lắm. Ông Trần Văn Trường, giám đốc Công ty cổ phần du lịch Thanh niên xung phong VYC nói rằng hệ thống các resort ở Mũi Né, Nha Trang... hiện giờ luôn phải bố trí người đi dọn dẹp (bao gồm cả vỏ chai nhựa) từ sáng sớm trên các bãi biển mà họ quản lý. "Nếu chúng tôi không dọn dẹp thì bãi biển sẽ toàn rác sau một tối ăn tiệc. Nếu khu nghỉ dưỡng của mình không sạch sẽ khiến các du khách tới sau chê cười và không muốn đến nữa".
Một bãi biển Việt Nam - Ảnh: Soha
Nhưng còn các bãi biển nơi khác thì sao? Tất nhiên là vẫn được dọn dẹp nhưng không thể tỉ mỉ như bãi biển do tư nhân quản lý. Chúng ta không lạ gì cảnh các bãi biển Việt Nam sau mỗi kỳ nghỉ lễ (sắp tới là nghỉ Dương lịch) trở thành bãi rác ngập vỏ chai nhựa. Hậu quả đến rất nhanh. Một tấm ảnh bãi biển nhiều rác nếu được một blogger nổi tiếng đưa lên mạng thì sẽ khiến nhiều người từ bỏ ý định đi du lịch.
Nếu muốn học Thái Lan làm du lịch thì chúng ta nên học ngay cách bảo vệ môi trường để phát triển du lịch. Trước khi chờ cơ quan chức năng làm gì đó thì mỗi người dân tự có ý thức giữ gìn môi trường, đơn giản là đừng vứt nắp chai nhựa ra biển.
Anh Tú