TP. HCM: Huyện Cần Giờ di dời 5.000 dân tránh bão
Sự kiện - Ngày đăng : 14:49, 25/12/2017
Sáng 25.12, trao đổi với PV, ông TrươngTiến Triển – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết đã sẵn sàng đối phó với cơn bão số 16 (cơn bão Tembin).
Theo đó, để ứng phó với cơn bão số 16, UBND H.Cần Giờ đã huy động tất cả các đơn vị gồm quân đội, công an, lựclượng PCCC, y tế…sẵn sáng lên phương án hỗ trợ người dân.
"Tất cả các hộ dân ở huyện đảo Thạnh An đã được di tản vào nơi trú ẩn an toàn. Tàu thuyền của ngư dân cũng được đưa vào bờ neo đậu.", ông Triển thông tin.
Người dân được bố trí vào các trường học ở huyện Cần Giờ để tránh trú bão số 16- Ảnh: Bùi Tư
Riêng về lồng bè nuôi thuỷ hải sản của ngư dân, ông Triển cho biết có lực lượng kiểm tra, bảo vệ.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, chính quyền địa phương đã chuẩn bị xong gạo, mì gói, nước sạch, nhu yếu phẩm và các thiết bị khác để phục vụ cho khoảng 5.000 người dân.
Theo ghi nhận của PV tại huyện Cần Giờ, lúc 12 giờ 30 ngày 25.12, tại đây đã xuất hiện gió giật mạnh, mây đen, nhiều người dân tại Bến tàu Cần Thạnh (TT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) đang chằng chống, neo đậu tàu thuyền.
Người dân neo đậu,chằng chống thuyền, bè vào bờ trú bão- Ảnh: Bùi Tư
Lực lượng chức năng huyện Cần Giờ cũng đến kiểm tra, hỗ trợ người dân trong việc chằng chống nhà cửa.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND H.Cần Giờ đã di dời hơn 200 hộ dân ở các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng vào trường học trú ẩn.
Ghi nhận tại điểm trường THCS Cần Thạnh, có hơn 100 hộ dân được sơ tán vào đây. Phía trường học đã bố trí các phòng học để người dân sinh hoạt.
“15 giờ 24.12, chúng tôi được lệnh di dời vào trường học để đảm bảo an toàn. Về chính quyền, đã hỗ trợ các nhu yếu phẩm để chăm lo đời sống người dân được di dời về đây, đây cũng là lần thứ 3 tôi được di chuyển vào đây”, bà Châu Ngọc Lùn (SN: 1963, ngụ huyện Cần Giờ) chia sẻ.
Tàu thuyền neo đậu vào bờ an toàn- Ảnh: Bùi Tư
Trao đổi với PV, Thượng tá Trần Xuân Liệu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC H.Cần Giờ cho biết đơn vị ứng trực 24/24 để sẵn sàng ứng chiến khi bão số 16 đổ bộ.
Bên cạnh đó, Công ty điện lực Duyên Hải cũng bố trí 5 máy phát điện ở 5 trụ sở quan trọng trên H.Cần Giờ để đảm bảo công tác thông tin, liên lạc đối phó với bão cũng như việc sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân.
“Công tác kiểm tra lưới điện của đơn vị hoàn tất vào ngày 24.12, việc truyền tải điện đang vận hành bình thường, ông Đặng Văn Cư, Phó giám đốc Công ty điện lực Duyên Hải cho hay.
Tin mới nhất về cơn bão Tembin
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 25.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,1 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 290km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Tây Bắc, khoảng 100km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.
Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 10 giờ ngày 26.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau – Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Từ trưa nay (25.12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 12; sóng biển cao từ 6-8 mét.
Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.
Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22 giờ ngày 26.12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 101,9 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 150km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.