Phạt 620 triệu đồng, rút giấy phép bán hàng đa cấp của Everrichs

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:09, 26/12/2017

Công ty cổ phần Everrichs chi nhánh TP.HCM đã chính thức bị thu hồi giấy chứng nhận sau một thời gian dài bị nghi ngờ kinh doanh đa cấp không giấy phép.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) ngày 25.12 cho biết đã xử phạt 620 triệu đồng về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần Everrichs, địa chỉ trụ sở ở205/69 Trần Văn Đang, P.11. Q.3, TP.HCM; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0106751084, đăng ký lần đầu ngày 19.1.2015 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội; đồng thờithu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

"Việc thu hồi giấy chứng nhận không giải phóng doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp", thông báo của Cục cho biết.

Với mức phạt 620 triệu đồng nói trên, Everrichs là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nhận mức xử phạt hành chính cao nhất, gần gấp 3 lần Thiên Ngọc Minh Uy (215 triệu đồng) khi bị rút giấy phép hoạt động vào tháng 4 vừa qua.

Công ty Everrichs trong thời gian hoạt động chuyên kinh doanh các sản phẩm chức năng về sức khoẻ, sắc đẹp và sinh lýnhư:tổ yến chưng Nrid’s Nest Plus, sản phẩm uống TheoMax (ca cao, nhân sâm, linh chi), thực phẩm hỗ trợ tăng, giảm cân Pridi Gold...

Cuối tháng 6.2016, công ty này đã tự nguyện xin dừng hoạt động tại chi nhánh Hà Nội nhưng trụ sở tại TP.HCM vẫn đăng thông tin tuyển dụng nhân sự tham gia mạng lưới mà Everrichs gọi là Khát vọng việt, đối tượng hướng tới chủ yếu là sinh viên.

Sau thời điểm đó, Everrichs nằm trong số 14 doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giấy phép bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng công bố hồi giữa năm 2016.

Để bảo đảm quyền lợi của mình trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị thu hồi giấy chứng nhận, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tham gia bán hàng đa cấp nên tiến hành các bước sau:

1. Nhanh chóng liên hệ với doanh nghiệp theo địa chỉ ghi tại hợp đồng ký kết với doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết quyền lợi

Theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14.5.2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp có quyền:

- Yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại, khi đáp ứng các điều kiện sau: hàng hóa còn hạn sử dụng; hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn

- Yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng

Doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn lại không thấp hơn 90% khoản tiền mà nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận được hàng hóa đó (có thể khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác đã trả cho nhà phân phối liên quan đến lượng hàng hóa được trả lại đó).

- Yêu cầu doanh nghiệp thanh toán toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác phát sinh trong quá trình tham gia hoạt động bán hàng đa cấp mà doanh nghiệp chưa chi trả.

- Yêu cầu doanh nghiệp giao hàng hóa cho mình nếu đã thanh toán tiền hàng nhưng chưa nhận hàng

2. Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền

Trường hợp nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp đã liên hệ và thực hiện bước 1 nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng:

Nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; hoặc nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, nhà phân phối/người tham gia bán hàng đa cấp có thể liên hệ với Cục QLCT và các Sở Công Thương tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ.

Tuyết Nhung

tuyetnhung