Quan hệ Mỹ-Ấn bước lên tầm cao mới trong năm 2017
Quốc tế - Ngày đăng : 17:57, 26/12/2017
India Times cho biết với nỗi lo về Trung Quốc, chính quyền Trump đã mở rộng châu Á-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của nước này thành Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (Indo- Pacific), giao cho Ấn Độ vai trò và không gian hoạt động lớn hơn.
Ấn Độ là nước duy nhất mà Mỹ đưa ra kế hoạch “đối tác chiến lược” trong 100 năm (được nêu ra trong bài diễn văn ngày 18.10 của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson). Theo India Times, đây là vinh dự mà ngay cả những đồng minh hàng đầu của Washington cũng chưa nhận được.
Không những vậy, khi công bố chính sách Nam Á vào tháng 8, Tổng thống Trump lần đầu tiên tuyên bố rõ ràng Ấn Độ là nhân tố chủ chốt trong tiến trình đem lại hòa bình cho Afghanistan, đất nước đang chìm trong bất ổn sau nhiều năm chiến tranh nổ ra. Ngoài ra, ông Trump cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên đồng tình với quan điểm của New Delhi cho rằng chủ nghĩa khủng bố bắt nguồn từ Pakistan.
Đặc biệt, trong năm 2017 này, Mỹ đã ra mặt ủng hộ lập trường của Ấn Độ với sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR) của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Ấn Độ đầu tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố Hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC), một phần của OBOR, đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp. Đây chính là lý do mà New Delhi đưa ra để từ chối tham gia vào sáng kiến này.
Trong bài phát biểu về chính sách với Ấn Độ trước khi bắt đầu chuyến thăm chính thức, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng khẳng định lại lập luận mà New Delhi từng đưa ra, cho rằng cần phải có giải pháp thay thế cho kiểu đổ tiền ào ạt, làm xói mòn chủ quyền mà Bắc Kinh đang thực hiện ở nhiều quốc gia tham gia OBOR, trong đó có nhiều nước láng giềng Nam Á của Ấn Độ.
Trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ được công bố ngày 18.12, Tổng thống Trump gọi Ấn Độ là “cường quốc toàn cầu hàng đầu”. Ông cũng nhấn mạnh phải làm sâu sắc quan hệ chiến lược với Ấn và hỗ trợ vai trò dẫn dắt của nước này trong duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo ông Tom Vajda, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á: “2017 là năm quan trọng với quan hệ Mỹ-Ấn. Đoàn kết lại bởi những lợi ích và mục tiêu chung, quan hệ song phương của chúng ta tập trung vào những gì chúng ta có thể cùng làm để thúc đẩy hòa bình và an ninh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chống lại khủng bố, tăng cường hợp tác quốc phòng, tăng thương mại hai chiều và tạo liên kết trong lĩnh vực năng lượng”.
Trong năm 2017 này, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Trump đã gặp nhau hai lần và nhiều lần trao đổi qua điện thoại, trang Economic Times cho biết.
Như những mối quan hệ song phương khác, quan hệ Mỹ-Ấn vẫn còn tồn tại một số vấn đề, nổi bật trong số đó là chuyện H-1B, thị thực Mỹ cấp cho những lao động tay nghề cao đến nước này làm việc.
Trong năm nay, chính quyền Trump đã siết chặt việc cấp H-1B, khiến không ít lao động nước ngoài mà phần đông là lao động người Ấn Độ và Trung Quốc bị ảnh hưởng xấu. Chính quyền Modi đã phản ánh vấn đề này với phía Mỹ.
Economic Times cho biết trong nửa đầu năm 2018, hai nước dự kiến sẽ có lịch làm việc bận rộn với nhau. Cuộc đối thoại 2+2 (Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao), cơ chế được lãnh đạo Mỹ-Ấn thiết lập trong năm 2017, có thể sẽ được tổ chức trước mùa xuân. Đặc biệt, quan chức hai bên cũng đang sắp xếp để Tổng thống Trump đến thăm Ấn Độ trong năm 2018.
Cẩm Bình (theo India Times, Economic Times)