Tình trạng chậm hủy chuyến bay dịp lễ tết vẫn... chấp nhận được!
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:53, 28/12/2017
Thời gian qua, tình trạng chậm hủy chuyến bay dù có chuyển biến nhưng vẫn diễn ra, nhất là vào các giờ cao điểm, gây bức xúc cho hành khách. Theo Cục Hàng không Việt Nam, nếu như năm 2016, lượng khách qua cảng hàng không, sân bay trên cả nước đạt 81 triệu khách thì hết năm 2017, con số này dự kiến lên tới 94 triệu khách, tăng 17% so với 2016. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến, nhất là trong mùa cao điểm vẫn diễn ra khá thường xuyên.
Giải đáp nguyên nhân cũng như đưa ra những hướng dẫn, khuyến cáo người dân đi lại, làm thủ tục hàng không trong những dịp cao điểm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới để không bị chậm chuyến, lỡ chuyến tại Toạ đàm "Cách nào giảm chậm, hủychuyến bay trong cao điểm Tết" diễn ra chiều 27.12, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các hãng hàng không đã có nhiều chia sẻ.
Tăng cường 5.000 chuyến bay
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết so với các năm trước đây, chất lượng dịch vụ hàng không năm 2017 đã có sự cải thiện đáng kể, từ khâu bán vé, đưa đón, vận tải hàng không. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng không, không thể tránh khỏi việc chậm, hủy chuyến, bởi có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, thậm chí là bất khả kháng.
Chậm hủy chuyến do khách quan như thời tiết, thiên tai là bất khả kháng, nhưng để người dân hiểu và chia sẻ, các đơn vị phải thông tin cho hành khách kịp thời hơn, mong hành khách chia sẻ hơn. Còn chậm hủychuyến do nguyên nhân chủ quan, Thứ trưởng yêu cầu các hãng hàng không phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, điều này liên quan đến khâu tổ chức, điều hành bay, lỗi kỹ thuật không đáng có, bố trí nguồn nhân lực,... tất cả những điều này phải kiên quyết khắc phục.
"Khi chậm chuyến, hủychuyến xảy ra, nhưng chúng ta không có động thái gì với hành khách, đây rõ ràng là lỗi của các cơ quan, đơn vị chức năng, không thể đổ lỗi cho khách quan", Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng thông tin để tăng cường chuyến bay phục vụ người dân trong thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2018, các hãng hàng không dự kiến tăng khoảng 5.000 chuyến bay. Cùng với đó là nâng cao chất lượng, đảm bảo điều hành bay hợp lý. Những khâu này nếu được tổ chức tốt, sẽ nâng cao năng lực khai thác và kéo giảm được tình trạng chậm, hủy chuyến.
Chậm 6 tiếng, khách hàng có quyền trả vé
Chia sẻ về thông tin tình trạng chậm,hủychuyến ở Việt Nam là "khủng khiếp", thuộc hàng cao nhất thế giới, ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) - cho biết năm 2017, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng cao, ở mức 19 - 20%, tổng thị trường năm 2017 đạt khoảng 62 triệu khách, tăng 19% so với năm 2016. Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ năm 2017 là 87,7%. Đây là một con số khả quan, khá cao so với tỷ lệ của thế giới là 75 - 79%.
Ông Đăng cho rằng dù có những thời điểm thời tiết xấu hay các dịp lễ Tết, tỷ lệ khai thác chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam giảm, nhưng nếu so sánh với khu vực thì vẫn chấp nhận được. Điển hình, những giai đoạn cao điểm như tháng 7 năm nay, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Việt Nam giảm nhưng vẫn ở mức 84%, so với cùng kỳ tháng 7.2016, vẫn giữ được mức cao hơn.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Việt Nam ở thời điểm thấp nhất thường rơi vào dịp mưa bão, sương mù (tháng 3, tháng 4, tháng 7 hay các dịp lễ Tết). Trong giai đoạn đó, số lượng chuyến bay bị chậm, hủytăng cao hơn. Giai đoạn tháng 7 khi dư luận bức xúc vì nhiều chuyến bay bị chậm, hủy, thực tế đó là giai đoạn mưa bão ở miền Trung, điều kiện khai thác không thuận lợi nên gây ảnh hưởng dây chuyền cho các hãng hàng không, tỷ lệ đúng giờ giảm nhưng vẫn ở mức 83 - 84%, so với thế giới vẫn là tỷ lệ khả quan.
Đặt ra mục tiêu cụ thểgiảm tỷ lệ chuyến bay bị hủy, chậm thời gian tới, ông Đăng cho biết năm 2018 Cục Hàng không đặt mục tiêu tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 86 - 88% và sẽ phấn đấu để duy trì và nâng cao mục tiêu này. Các hãng hàng không đứng đầu thế giới có tỷ lệ chuyến cất cánh đúng giờ khoảng 92%.
Trước nghi ngại của dư luận về tính chính xác của số liệu thống kê, ông Đăng khẳng định Cục Hàng không có kênh thống kê chuẩn xác, phản ánh đúng thực trạng hoạt động của các hãng hàng không. Trong số liệu đó có cũng có bảng phân tích nguyên nhân gây chậm, hủychuyến và được công khai trên website của Cục Hàng không.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Jetstar Pacific (JPA), cho biết tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của JPA là 82,5%, thấp hơn mức trung bình của toàn ngành, chủ yếu do vấn đề liên quan đến kỹ thuật máy bay. Năm 2018, hãng có khả năng tăng tỷ lệ đúng giờ lên 86% do hãng vừa nhận 10 máy bay Airbus mới, nâng tỷlệ máy bay mới của đội bay lên 2/3; giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật gây chậm chuyến.
Nhắc đến trách nhiệm của các hãng hàng không, đại diện JPA cho biết nếu chuyến bay chậm 2 tiếng, hành khách được phục vụ nước; chậm 3 tiếng được phục vụ ăn; chậm 4 tiếng trở lên hãng phải đền bù bằng tiền. Đối với chuyến bay chậm từ 6 tiếng trở lên, ngoài việc chi trả đền bù, hãng phải lo chỗ nghỉ cho khách, khách hoàn toàn có quyền hoàn trả vé cho hãng.
Để giảm tình trạng chậm hủy chuyến bay dịp Tết Nguyên đán tới, ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách tăng cường sử dụng dịch vụ web check-in, kios check-in để giảm thiểu thời gian chờ đợi ở sân bay. Đặc biệt là vào dịp cao điểm, thông tin trong nhà ga, dịp cao điểm Tết rất đông, hệ thống loa phát thanh của nhà ga sẽ giảm tác dụng nên khách cần thường xuyên theo dõi thông tin về chuyến bay qua hệ thống bảng điện tử, chủ động ra cửa máy bay đúng giờ.
"Ví dụ, chỉ có 1 khách xao nhãng không có mặt ở cửa ra máy bay đúng giờ không kịp lên máy bay, hãng hàng không phải đồng bộ lại hành lý, mở hầm hàng máy bay tìm hành lý của khách dỡ ra, vì về nguyên tắc không được vận chuyển hành lý nếu khách không có mặt để đảm bao an ninh. Mỗi lần như vậy, chuyến bay có thể chậm cả tiếng", ông Thành cho hay.
Tuyết Nhung