Bloomberg: 5 thách thức chủ yếu với ông Tập Cận Bình trong năm 2018

Quốc tế - Ngày đăng : 14:33, 30/12/2017

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một năm 2017 được đánh giá là thu được nhiều thành công hơn so với dự đoán. Tuy nhiên, những thách thức mà ông Tập phải đối mặt cũng sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là trong năm mới 2018. Sẽ có 5 thách thức chủ yếu mà Chủ tịch Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong năm sắp tới.

Đại hội đảng lần thứ 19 của Trung Quốc đã kết thúc trong năm 2017 với sự tập trung quyền lực và ảnh hưởng của ông Tập ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi các vấn đề quốc tế trong năm vừa qua lại phần lớn tập trung sự chú ý xoay quanh những động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn cũng khiến áp lực với ông Tập giảm đi. Tuy nhiên, quyền lực càng lớn thì những thách thức mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt cũng sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là trong năm mới 2018. Sẽ có năm thách thức chủ yếu mà Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt trong năm sắp tới.

1. Duy trì sự hài lòng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đã có sự hồi phục nhất định trong năm 2017, nhiều khả năng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự báo một sự suy thoái đáng kể trong năm 2018, đặc biệt là chính sách giảm thuế của Mỹ sẽ góp phần đáng kể vào những áp lực mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong năm tới. Susan Shirk, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California, cho rằng thách thức lớn nhất đối với ông Tập trong năm tới là duy trì được sự tăng trưởng ổn định khi đối đầu với những thách thức kinh tế tiềm ẩn: “Tôi đang chờ đợi để thấy sự gia tăng phản ứng và bất mãn của tầng lớp trung lưu trong năm tới”.

Các nguy cơ khác có thể gây ra sự bất mãn của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc trong năm 2018 là ô nhiễm không khí, chất lượng giáo dục cũng như kiểm duyệt internet. Dù một số vấn đề đã được Bắc Kinh nỗ lực giải quyết, như việc cắt giảm các ngành công nghiệp gây ô nhiễm không khí, nhưng số lượng các vấn đề chưa được xem xét thì vẫn còn rất nhiều.

2. Duy trì hòa bình

Trung Quốc đã có những động thái mở rộng chính sách đối ngoại của mình một cách đáng kể trong năm 2017, như đứng ra dàn xếp hòa giải xung đột giữa Afghanistan và Pakistan, Myanmar và Bangladesh, thậm chí cả giữa Israel và Palestine. Phần lớn các nỗ lực này xuất phát từ các lợi ích kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng trên toàn cầu, và được tiến hành theo những cách thức không được đánh giá cao do thiếu kinh nghiệm.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với ngoại giao Trung Quốc trong năm 2018 lại ở ngay ngưỡng cửa nước này: Bắc Triều Tiên. Chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tiến gần hơn tới khả năng tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, và điều này đang đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump tới khả năng một cuộc chiến tranh ít nhiều sẽ tác động trực tiếp tới Trung Quốc. Nếu tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên xấu đi, nó sẽ khó có thể được xem là một thành công với ông Tập.

3. Cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực châu Á

Những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc giảm thâm hụt thương mại với các nước đối tác và thậm chí là cả đồng minh tại khu vực châu Á đang được cho là tạo ra cho Trung Quốc cơ hội cải thiện quan hệ căng thẳng trong khu vực. Năm 2017 Trung Quốc được đánh giá là đã cải thiện được mối quan hệ với Myanmar, Singapore, Việt Nam và Philippines -những quốc gia đã từng ít nhiều có bất đồng với Trung Quốc trước đó.

Tuy nhiên, thách thức với Trung Quốc là đánh mất sự kiểm soát. Hầu hết các nước trong khu vực đều đang rất nhạy cảm với khả năng Trung Quốc sử dụng lá bài kinh tế để đổi lấy sự nhượng bộ về chính trị hay can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Những biện pháp trừng phạt kinh tế với Hàn Quốc liên quan đến hệ thống tên lửa THAAD trong năm 2017 là ví dụ điển hình. Năm 2018 sẽ là thời điểm xác định xem Trung Quốc có vượt qua được sự cám dỗ về gia tăng sức mạnh của mình tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông hay không.

4. Giữ được một cái đầu lạnh

Trung Quốc đã cố gắng duy trì được một cái đầu lạnh trong phần lớn năm 2017, từ việc đối phó với các dòng tweet đầy khiêu khích của Donald Trump đến những lời cáo buộc Bắc Kinh gian lận thương mại của ông này. Những dự đoán về một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã không xảy ra sau khi ông Trump nhậm chức, trong khi mối quan hệ song phương giữa nhà lãnh đạo tối cao của hai nước đang được đánh giá là khá nồng ấm.

Tuy nhiên, năm 2018 có thể sẽ là thời điểm tuần trăng mật Trump-Tập kết thúc, khi vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên trở nên căng thẳng còn cuộc điều tra về thâm hụt thương mại với Trung Quốc của Mỹ sẽ được mở rộng. Điểm nóng tiềm ẩn có thể gây ra sự xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2018 là cuộc điều tra của Mỹ về vi phạm sở hữu trí tuệ mà nước này đang cáo buộc Trung Quốc vi phạm. Nếu xảy ra, đó có thể là màn khởi đầu cho một cuộc tranh chấp thương mại lớn nhất từ trước đến nay, khi Mỹ có thể căn cứ vào đó để tăng mức áp thuế với hàng hóa Trung Quốc.

5. Duy trì tiến trình và tốc độ cải cách

Năm 2018 đánh dấu mốc kỷ niệm 40 năm quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc vốn đã đưa nước này lên vị trí hàng đầu thế giới, và một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông Tập là tiếp tục duy trì tốc độ cải cách trong nhiệm kỳ của mình. Dù quyền lực được tập trung nhiều hơn, nhưng ông Tập đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng cũ đã mất dần tác dụng trong khi những nỗ lực chuyển đổi chưa đem lại kết quả tương xứng.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nhàn Đàm