Sai lầm làm giảm tuổi thọ đồ gia dụng cần bỏ ngay
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:46, 31/12/2017
Sử dụng máy giặt sai cách
- Khi cho quần áo vào trong máy, đừng quên kiểm tra các túi quần, áo. Những thẻ từ, chìa khóa, bật lửa... còn sót lại có thể gây hại cho máy giặt trong quá trình giặt.
- Cần chú ý dùng bột giặt và nước xả dành riêng cho máy giặt. Bột giặt tay vốn tạo ra nhiều bọt hơn bột giặt máy, dùng bột giặt tay có thể khiến bọt trào ra, làm hỏng máy.
- Lấy quần áo ra khỏi máy ngay sau khi máy đã giặt xong. Việc để một lượng lớn quần áo ẩm trong máy trong một thời gian dài có thể làm hỏng máy.
Tủ lạnh
Bước đầu tiên bảo quản tủ lạnh đúng cách thậm chí cần được thực hiện ngay từ trước khi bạn mang tủ về nhà. Tủ cần được vận chuyển theo phương thẳng đứng, độ nghiêng không quá 40 độ. Nếu không, dầu máy nén bên trong có thể bị rò rỉ ra ngoài và làm hỏng toàn bộ hệ thống.
Cho thức ăn nóng vào trong tủ rất hại tủ. Tốt nhất hãy làm cho chúng nguội rồi mới cất vào tủ.
Để các thiết bị điện ở chế độ chờ
Nhiều thiết bị điện gia dụng và điện tử hiện đại đều có remote để dễ dàng điều khiển từ xa. Chính vì vậy, để tiết kiệm thời gian, nhiều người thường tắt các thiết bị này thông qua remote (chuyển sang chế độ chờ) chứ không trực tiếp tắt bằng nút nguồn ở ngay trên thiết bị. Đây là một cách làm sai lầm sẽ khiến hoá đơn tiền điện nhà bạn tăng lên một khoản không nhỏ.
Theo nhiều số liệu đo đạc, ở trong trạng thái chờ, các thiết bị vẫn tiêu thụ một lượng điện tương đối lớn đặc biệt là: ti vi, đầu video, máy vi tính,… tiêu tốn khoảng 4-10 watt mỗi giờ. Chỉ cần cộng hết các công suất tiêu thụ điện ở chế độ chờ trong gia đình thì có thể mất vài chục watt mỗi ngày, một con số không nhỏ.
Vì vậy để giúp tiết kiệm điện năng sử dụng trong gia đình hãy tắt hẳn các thiết bị điện khi không sử dụng.
Sử dụng đồ điện trong nhà tắm
Việc đặt ổ điện trong nhà tắm là cần thiết để sử dụng một số thiết bị như máy sấy tóc, máy giặt... Tuy nhiên cần chú ý lắp đặt ổ điện ở trên cao và tránh xa những vùng nước dễ bắn vào như bồn rửa mặt, vòi hoa sen. Một lưu ý nữa là tuyệt nhiên không sử dụng các thiết bị điện trong nhà tắm như sấy tóc, cắm máy giặt hay sạc điện thoại trong khi tay và cơ thể còn đang ướt để phòng tránh nguy cơ tai nạn do rò rỉ điện.
Các loại nồi điện, nồi cơm điện, nồi nấu chậm
- Không lau nắp bên trong của nồi sau khi nấu nướng có thể khiến hơi ẩm, dầu mỡ, thức ăn còn sót lại tích tụ ở đó, gây nấm mốc và làm nồi chóng hỏng.
- Dùng nồi làm chậu để vo gạo cũng như rửa các loại ngũ cốc khác có thể khiến xước bề mặt bên trong cũng như đáy nồi. Vì lý do tương tự, khi rửa nồi nên dùng miếng bọt biển mềm, tuyệt đối không dùng miếng cọ xoong bằng kim loại.
Lò vi sóng
- Khi làm nóng những thực phẩm có trọng lượng nhẹ, nên cho vào đó một cốc nước. Nước sẽ hấp thụ một số bức xạ vi sóng giúp việc nấu nướng, làm nóng hiệu quả hơn.
- Hạn chế tối đa việc xếp đồ lên sát đỉnh của lò vi sóng. Nếu bắt buộc phải xếp, hãy đảm bảo rằng vật đó không cản trở khe thông gió của lò vi sóng.
- Không làm nóng các món đồ lâu hơn cần thiết.
- Nên lau sạch thức ăn và dầu mỡ rơi vãi trong lò bằng một cái khăn mềm.
Máy xay sinh tố
- Không xay những thực phẩm quá nóng, như vừa nấu nướng xong. Nên chờ tới khi chúng đã nguội, khoảng 70-80 độ C.
- Đảm bảo không có chất lỏng, nước rơi vào bên trong mô-tơ của máy xay. Khi muốn làm sạch máy xay nên dùng một cái khăn mềm ẩm và lau sạch bên ngoài.
- Không bật máy quá lâu vì có thể khiến động cơ quá nóng, dễ hỏng.
Thiên Kim (tổng hợp)