Chuyện khởi nghiệp của 'soái ca' dưa lưới ở An Giang
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:05, 31/12/2017
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nông nghiệp ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng ThápnhưngTrần Thanh Tiền không có điều kiện tiếp xúc với nông nghiệp vì gia đình chỉ mua bán nhỏ để kiếm sống hằng ngày.
Cha của Tiền mất sớm khi anh vừa tròn 3 tuổi, mẹ anh phải tảo tần nuôi 3 chị em ăn học. Do cuộc sống khó khăn nên 2 chị lớn phải nghỉhọc giữa chừng để phụ mẹ. Gia tài lớn nhất của gia đình là vốn tri thức mà Tiền đeo đuổi trên con đường học vấn. Chính những thách thức của cuộc sống đã làm cho nghị lực học tập và chinh phục những trở ngại của Tiền hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Tiền quyết tâm thi vào Trường ĐH An Giang, chuyên ngành công nghệ sinh học. Tiền chia sẻ rằng gia đình xuất phát nghèo khó nên chỉ có học mới có thể thoát nghèo được, nếu đi làm thuê thì sẽ mãi chỉ là làm thuê, khó có thể phát triển. Tiền quyết tâm học tốt và thực hiện những ước mơ, hoài bão của bản thân bằng sự nỗ lực hằng ngày.
"Soái ca dưa lưới" là tên trìu mến mà bạn bè đặt cho Trần Thanh Tiền
Trong quá trình học trên ghế nhà trường, Tiền đã nuôi dưỡng niềm đam mê nông nghiệp sạch, sản phẩm phải đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Để trang trải cho cuộc sống học tập, Tiền không ngạibất cứ công việc làm thêm nào, từ phục vụ quán cà phê, quán ăn nhỏ đến làm ở khu đông lạnh chế xuất.
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Tiền đã tốt nghiệp đại học loại giỏi và trúng tuyển trong Top 20 sinh viên chuyên ngành nông nghiệp được đi học tập tại Israel với thời gian hơn 11 tháng. Tại Israel, Tiền vừa học và vừa làm thêm tại các trang trại nông nghiệp để trang trải học phí hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi hoàn thành kỳ học tập, nghiên cứu nông nghiệp tại Israel, nhiều doanh nghiệp ở đây đã ngỏ ý mời Tiền về làm cho công ty của họ, nhưng vì mẹ già và phần vì muốn góp phần cải thiện nền nông nghiệp Việt Nam bằng những kiến thức đã học được, Tiền quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng.
Tháng 6.2015 với số tiền có được từ việc đi làm thêm, Tiền đã đầu tư thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới trên diện tích 100m2, sau gần 3 tháng lứa dưa đầu tiên cũng cho thu hoạch với năng suất kém 50% so với dự kiến do thiếu kinh nghiệm, sâu bệnh tấn công nhiều.
Sau khi có sản phẩm, Tiền đã mang dưa lưới bán cho bạn bè gần xa, phần để lấy ý kiến phản hồi và phần để giới thiệu sản phẩm. Tuy thua lỗ vài triệu đồng nhưng với Tiền đó là kỷ niệm không thể quên. Khắc phục những hạn chế trong việc trồng dưa lưới, Tiền đầu tư và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến với việc sử dụng phân sinh học và mộtphần phân hóa học thuần khiết được nhập từ Israel, sử dụng thiên địch để phòng sâu bệnh, sự tấn công của chuột.
May mắn đã mỉm cười với Tiền khi năng suất và chất lượng đạt như mong muốn, mỗi trái dưa lưới nặng từ 1,8 - 2,5 kg, mỗi ký bán cho thị trường với giá 45 - 50 nghìn đồng. Tiền chia sẻ thêm, ban đầu việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do nông dân quen sản xuất với phương thức truyền thống nên việc áp dụng công nghệ mới cũng không được nhiều người tán thành. Nhưng mẹ luôn động viên và bản thân nhận thấy khởi nghiệp luôn phải gặp nhiều khó khăn, phải chinh phục từng khó khăn một mới có thể thành công.
Trang trại dưa lưới của Tiền theo tiêu chuẩn VietGap
Quy trình sản xuất cũng được thực hiện với nhiều kỹ thuật cao, Tiền đầu tư hơn 50 triệu đồng cho hệ thống nhà lưới và nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, tưới nhỏ giọt. Bên cạnh đó, Tiền còn trồng các loại hoa nhưvạn thọ, sao nhái, cây sả để làm hàng rào sinh học xua đuổi các loại côn trùng gây hại trên nông sản. Trong nhà lưới Tiền áp dụng các kỹ thuật keo dán thu hút, dẫn dụ các loại côn trùng gây hại. Tiền còn cho biết, khó khăn hiện tại là vốn đầu tư sản xuất, đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ thuật và thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Hiện tại, Tiền đã đầu tư 2 hệ thống nhà màng và nhà lưới với diện tích hơn 1.500m2 và 1.000m2 sản xuất ngoài trời. Trong đó, trồng hơn 1.200 gốc dưa lưới, hơn 1.000m2 trồng dưa leo và cà chua bi theo VietGAP. Dưa lưới cho năng suất từ 2 - 3 tấn/1.000m2 và được bán với giá 45 - 50 ngàn đồng/kg cho siêu thị Tứ Sơn (TP.Châu Đốc, An Giang) và showroom nông sản an toàn Phan Nam (TP. Long Xuyên, An Giang). Chỉ riêng dưa lưới, sau khi trừ các khoản chi phí, Tiền thu lợi nhuận gần 70 - 80 triệu đồng/năm.
Với đam mê và tâm thế của người nông dân thời đại công nghệ, mô hình sản xuất nông sản sạch của Trần Thanh Tiền hứa hẹn nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Chí Thiện