Triều Tiên tuyên bố không từ bỏ vũ khí hạt nhân

Quốc tế - Ngày đăng : 15:39, 31/12/2017

Hãng thông tấn KCNA của nước CHDCND Triều Tiên ngày 30.12 tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân khi nào Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục “tống tiền và tập trận chiến tranh” gần nước này.

Tuyên bố được đưa ra trong một bài tổng kết quá trình và kết quả những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng trong năm 2017 vừa qua. KCNA khẳng định nước này trong một năm đã thực hiện các bước tăng cường khả năng tự vệ và tấn công bằng lực lượng hạt nhân, khi phải đối mặt với “đe dọa hạt nhân, tống tiền và tập trận chiến tranh” thường trực của Mỹ và “các lực lượng chư hầu”.

KCNA cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng các chính sách thù địch chưa từng có và còn đưa ra những lời đe dọa tấn công phủ đầu với Triều Tiên. Theo KCNA, Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và quốc gia chiến lược mới không thể phủ nhận.

“Đừng mong chờ bất kỳthay đổi nào trong chính sách của Triều Tiên. Sự tồn tại của đất nước này như một cường quốc bất khả chiến bại không thể bị làm cho suy yếu cũng như bị dập tắt. CHDCND Triều Tiên, với tư cách một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm, sẽ dẫn dắt lịch sử đến con đường duy nhất của độc lập”, KCNA cho biết.

Trong năm 2017, Bình Nhưỡng đã thực hiện hơn 20 lần phóng tên lửa, trong đó có 3tên lửa đạn đạo liên lục địa, và một lần thử hạt nhân vào đầu tháng 9. Vụ thử gần đây nhất là ngày 29.11, Triều Tiên tuyên bố tên lửa được phóng có khả năng vươn đến lụcđịa Mỹ.

Bình Nhưỡng đã thực hiện hơn 20 lần phóng tên lửa trong năm 2017 - Ảnh: Imgur

Những vụ thử vũ khí đã khiến Triều Tiên nhận thêm nhiều lệnh trừng phạt đơn phương lẫn đa phương mới, khắc nghiệt hơn. Washington và Seoul tiếp tục khẳng định họ sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng trừ phi nước này chấp nhận thảo luận về việc hạn chế vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa.

Chiều ngược lại, Triều Tiên luôn chỉ trích những cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là tập trận Mỹ-Hàn, là tập trận chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược Triều Tiên.

Cẩm Bình (theo CNBC)

Cẩm Bình