10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế năm 2017

Thông tin Y học - Ngày đăng : 22:22, 31/12/2017

Năm 2017 đã khép lại với nhiều sự kiện nóng bỏng của ngành Y tế được dư luận quan tâm, báo điện tử Một Thế Giới đã tổng hợp những sự kiện nối bật suốt một năm qua của ngành Y để bạn đọc theo dõi.

1.Tai biến y khoa khiến hàng chục người chết

Năm 2017 đánh dấu nhiều ca tai biến y khoa cũng lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử y học Việt Nam và trở thành bài học kinh nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh cho ngành y tế. Ca chạy thận nhân tạo đầu tiên trong ngày 29.5 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã trở thành thảm họa, được Bộ Y tế đánh giá là sự cố y khoa nghiêm trọng chưa từng có. Chưa đầy một giờ sau khi chạy thận, 18 người xuất hiện các dấu hiệu sốc phản vệ. 8 người sau đó lần lượt tử vong, 10 người may mắn sống sót được chuyển khẩn cấp sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình chạy thận tiếp, sau đó đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong đêm.

6 tháng sau ca tai biến chạy thận ở Hòa Bình, sáng 20.11, 4 em bé sinh non tháng đang điều trị ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Gần 20 bé khác được chuyển khẩn cấp về các bệnh viện lớn ở Hà Nội để điều trị cách ly. Kết quả cấy vi khuẩn trên bề mặt giường nằm của các bé, trên tay của y bác sĩ... phát hiện loại vi khuẩn kháng kháng sinh cực kỳ nguy hiểm. Đơn nguyên Sơ sinh của bệnh viện phải dừng hoạt động và tiến hành khử khuẩn cuốn chiếu. Đây là lần đầu tiên một bệnh viện ở Việt Nam xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn gây hậu quả hết sức nặng nề là cướp đi 4 sinh mạng trẻ thơ mới chào đời.

Cả hai sự cố y khoa lớn trong năm 2017 đều có nguyên nhân từ quy trình chưa chặt chẽ và sự thiếu ý thức của người trực tiếp tham gia điều trị và người nhà bệnh nhân.

2.Dịch sốt xuất huyết bùng phát kỷ lục tại Hà Nội

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 với trên 37 nghìn ca mắc và 7 ca tử vong, có những tuần ghi nhận hơn 3 nghìn ca mắc. Dịch sốt xuất huyết cho thấy lỗ hổng trong y tế dự phòng. Dịch chỉ được khống chế vào tháng 9 bằng nhiều giải pháp. Đến cuối tháng 11, dịch mới cơ bản được không chế.

Sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội với 37 nghìn ca mắc phải

3.Bệnh viện Chợ Rẫy đạt 8 kỷ lục Việt Nam về ghép tạng

Năm 2017, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã vinh danh các kỷ lục Việt Nam đến các đơn vị và cá nhân đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên, hàng loạt kỷ lục có giá trị về y học được xác lập tại một sự kiện nhằm tôn vinh những đóng góp tập thể và cá nhân trong lĩnh vực y học tại Việt Nam nói chung và ghép tạng nói riêng. Bệnh viện Chợ Rẫy đạt 8 kỷ lục cho tập thể và cá nhân.

4.Lần đầu trong 20 năm, Việt Nam nới lỏng chính sách dân số

Một người trẻ cõng trên lưng chi phí hưu trí và chăm sóc cho 4 người già, dân số già hóa không còn lực lượng lao động, là viễn cảnh đáng lo ngại khiến Việt Nam quyết định thay đổi chính sách dân số.Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với các nước phát triển. Tỷ lệ sinh thấp, đặc biệt ở khu vực thành thị, dẫn đến số người già nhiều hơn người trẻ. Một hậu quả nữa của chiến lược giảm sinh là tệ lựa chọn giới tính thai nhi, gây mất cân đối nghiêm trọng tỷ lệ nam/nữ. Với 113 trẻ trai so với 100 trẻ gái sơ sinh hiện nay, hàng triệu đàn ông Việt Nam trong tương lai sẽ không lấy được vợ.

Sau hơn 20 năm, Việt Nam thay đổi, chọn chiến lược mức sinh thay thế. Cụ thể là giảm sinh ở nơi sinh nhiều như ở vùng núi, ven biển; vận động sinh đủ hai con ở nơi sinh ít, như tại TP HCM, nơi đang có tỷ lệ con thấp nhất cả nước. Các biện pháp nhằm cân bằng giới tính khi sinh cũng được ban hành. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tuổi thọ bình quân 75; chiều cao nam trưởng thành đạt 168,5 và nữ 157,5 cm, khắc phục tình trạng ở nhóm cuối về các chỉ số thể lực ở Đông Nam Á.

5. Những bất cập về đấu thầu thuốc bộc lộ sau vụ án VN Pharm

Trong vụ án VN Pharma, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM cho rằng việc không chấp hành lệnh của tòa án là hành vi xem thường pháp luật​

Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã làm giả hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg chữa ung thư từ nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals Inc., Canada. Lô thuốc được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu cuối tháng 12.2013, trúng thầu trong đợt đấu thầu tập trung năm 2014 tại Sở Y tế TP.HCM.

Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu. Trong phiên xử phúc thẩm cuối tháng 10, tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại, bắt bị can tại tòa.

Vụ án VN Pharma khiến ngành y tế phải xem lại các quy định về đấu thầu tập trung thuốc. Năm 2014 là lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM đấu thầu thuốc tập trung thay vì từng bệnh viện tổ chức như trước. Hình thức đấu thầu này bộc lộ nhiều vấn đề như giá thấp bất thường, đơn vị trúng thầu không đủ khả năng cung ứng cho thị trường... Việc phân cấp đấu thầu thuốc tập trung giúp giảm giá thuốc, tiết kiệm chi phí chữa bệnh. Các đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc phải đảm bảo đủ hàng cung ứng cho thị trường để tránh tình trạng thiếu hụt dẫn đến khan hiếm.

6.Liên thông kết quả xét nghiệm

Với mục tiêu giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí, từ ngày 1.8, Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm tại 38 bệnh viện Trung ương, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm. Theo lộ trình, sang năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. Năm 2025 sẽ liên thông trên phạm vi toàn quốc.

7.Bệnh viện quận đầu tiên trên cả nước mổ tim hở thành công

Bệnh viện QUận Thủ Đức (TP.HCM) lần đầu phẫu thuật tim hở cho bệnh nhân 23 tuổi bị thông liên nhĩ, hở van ba lá, tăng áp phổi. Sáng 12.12, sau khi thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, bệnh nhân được truyền dung dịch làm liệt tim và mở tim theo đường nhĩ phải. Các phẫu thuật viên đóng lỗ thông liên nhĩ bằng mảnh màng ngoài tim tự thân của bệnh nhân đã qua xử lý hóa chất. Ca mổ thành công sau 3 giờ phối hợp của nhiều y bác sĩ. Hiện bệnh nhân đã tỉnh và tiếp tục được theo dõi tại Khoa Hồi sức Tim mạch.

8.Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một ca ghép phổi

Ngày 21.2, Bệnh viện 103 - học viện Quân Y đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi. Cháu bé vừa được ghép phổi ở Học viện Quân y 6 tuổi thể chất yếu, mắc bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên, sau khi ghép, phổi cháu sẽ phát triển bình thường và có thể sống đến 60 - 70 tuổi.

Bệnh viện 103 - học viện Quân Y đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam

9.Dùng robot phẫu thuật trẻ bị lõm xương ức dị dạng phổi

Ngày 28.11, Bệnh viện Nhi Trung ương công bố đã điều trị thành công cho một bệnh nhi bị dạng nang tuyến phổi kèm theo lõm ngực bẩm sinh rất hiếm gặp dưới sự hỗ trợ của robot Da Vinci-Si. Đây là hệ thống robot phẫu thuật hiện đại trên thế giới, mới được ứng dụng tại bệnh viện. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ, ngay sau ca mổ, bệnh nhi Q. được rút ống nội khí quản và phục hồi tốt. Sau 20 ngày, nội soi bằng robot, bệnh nhi Q. tiếp tục được phẫu thuật nội soi nâng xương ức và đến nay sức khỏe của bệnh nhi đã hoàn toàn bình thường.

10.Lương cán bộ y tế được tính vào giá viện phí

Năm nay, tất cả cơ sở y tế đã áp dụng giá dịch vụ y tế mới. Việc điều chỉnh giá tác động trực tiếp đến những người không có thẻ bảo hiểm y tế. Còn với 83% bệnh nhân có thẻ, nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao được bảo hiểm chi trả.

Lương và phụ cấp của cán bộ y tế đã được tính vào giá dịch vụ y tế, người bệnh chính là người trả lương cho nhân viên y tế. Điều này đòi hỏi cán bộ, nhân viên y tế phải có sự thay đổi về nhận thức, thái độ đối với người bệnh.

Dạ Thảo (TH) - Ảnh: Internet

Hải Yến