TS Huỳnh Thế Du: Nhà nước chỉ cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:05, 01/01/2018
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2017 đã đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc này góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Một số thành tích như tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỉ USD. Đặc biệt, xuất khẩu ước đạt 214 tỉ USD, trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỉ USD; xuất siêu 2,7 tỉ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỉ USD, tăng 44,2%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Viết trên facebook cá nhân, TS Huỳnh Thế Du (ĐH Fulbright) nhận định, những gì xảy ra trong thời gian qua cho thấy Nhà nước không nên tham gia nhiều vào các hoạt động kinh tế, mà chỉ cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo ổn định vĩ mô thì mọi chuyện sẽ tốt lên.
Ghi nhận sự ấm lên của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, biểu hiện là tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều cán đích; sự thăng hạng ngoạn mục của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và dự báo tăng trưởng từ nhiều tổ chức quốc tế sự sôi động của thị trường chứng khoán… Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các kết quả này ngược chiều với sự năng nổ của khu vực công khi tham gia vào các hoạt động kinh tế.
Cụ thể, chi đầu tư của nhà nước khá thấp do những khó khăn giải ngân từ chính sách đầu tư công trung hạn, ngân sách căng thẳng và tác động của chiến dịch chống tham nhũng.
Theo vị này, cải thiện môi trường kinh doanh để cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn là việc làm thường xuyên và tích cực nhất của khu vực công mà cụ thể là Chính phủ trong thời gian qua. Việc này không cần nhiều tiền và có thể triển khai mọi lúc mọi nơi.
“Việc nhà nước làm ít đi thì mọi chuyện sẽ tốt lên đã xảy ra ở nhiều nơi và Việt Nam không phải là ngoại lệ”, ông Du nêu.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng độc quyền nằm trong tay các DNNN hiện nay quá lớn, nhất là so sánh về việc sử dụng nguồn lực của các DNNN. Hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 800 DNNN nhưng vẫn sử dụngkhoảng 50% tổng nguồn lực của quốc gia. Mức sử dụng đó là quá lớn, tạo thêm cho họ thế độc quyền trong sử dụng cũng như vận hành và cung cấp sản phẩm.
Dó đó, xã hội và doanh nghiệp không có sự lựa chọn mà vẫn phải dùng những sản phẩm của họ với giá thành cao, chất lượng không tương ứng. Những gánh nặng về thua lỗ, nợ nần do quản trị kém của họ thì cả xã hội lại phải gánh.
Theo chuyên gia này, tinh trạng độc quyền ở Việt Nam còn gây ra rất nhiều hệ lụy khác như tham nhũng, lãng phí và sự quản lý yếu kém. Nếu Nhà nước mà quản trị trong một môi trường cạnh tranh nhiều hơn, bình đẳng hơn thì buộc họ phải có công cụ, chính sách tốt để quản trị.
Hoài Phong