Thiên Cung-1 sẽ thải chất độc hại khi rơi xuống Trái Đất
Quốc tế - Ngày đăng : 17:39, 03/01/2018
Theo đơn vị này, tuy Thiên Cung-1 sẽ bốc cháy khi rơi xuống Trái Đất, nhưng không có nghĩa mọi thứ sẽ hoàn toàn thành tro bụi. Khoảng 10-40% phần còn lại của nó, bao gồm nhiều mảnh vỡ, vẫn còn nguyên và một vài bộ phận trong đó mang theo chất hydrazine.
Người phát ngôn của đơn vị này cho biết: “Có khả năng một chất ăn mòn và cực kì độc hại mang tên hydrazine trên trạm Thiên Cung-1 sẽ còn sót lại khi về lại Trái Đất. Để đảm bảo an toàn, đừng đụng vào bất kì mảnh vỡ nào của nó và hít bất cứ khí nào mà chúng giải phóng ra”.
Hydrazine là một chất không màu, đôi khi ở dạng lỏng hoặckết tinh, được sử dụng nhiều trong nông nghiệp, công nghiệp lẫn quân sự. Chất này là một thành phần trong nhiên liệu của các tên lửa.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), con người khi tiếp xúc thời gian ngắn với hydrazine sẽ bị kích ứng mắt, mũi, cổ họng, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, phù phổi, động kinh và hôn mê. Tiếp xúc trong thời gian dài sẽ khiến gan, thận cùng hệ thần kinh trung ương bị tổn thương.
Theo tính toán của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), địa điểm Thiên Cung-1 rơi sẽ nằm trong hai vĩ tuyến 43 độ Bắc và 43 độ Nam. ESA thông báo vào tháng 2.2018, cơ quan này sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tập trung dự đoán tình hình rơi của Thiên Cung-1.
Hiện trạm không gian này đang ở độ cao khoảng 300km và vẫn nằm trong quỹ đạo, nhưng dự kiến quỹ đạo này sẽ mất đi vào khoảng tháng 1- 3.2018, và nó sẽ rơi không kiểm soát xuống Trái Đất.
Thiên Cung-1 là một trạm thí nghiệm không gian có kích thước khoảng 15m2, tương đương với khoảng 1/60 kích thước của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Năm 2016, Trung Quốc đã phóng trạm vũ trụ Thiên Cung-2, thay thế cho Thiên Cung-1 bị mất liên lạc vào ngày 16.3.2016.
Cẩm Bình (theo Daily Mail)