'Mai mực' nghĩa tình
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:25, 07/01/2018
Sau nhiều lần chối từ: “Đời cô có gì đâu mà viết báo!”, bà Lê Thị Mai ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) cũng chịu gặp tôi. Câu chuyện về cuộc đời của bà khiến người nghe khâm phục, đầy ắp yêu thương.
Gánh con đi bán mực
Gần 30 năm trước, cuộc sống gia đình bà Lê Thị Mai hết sức khó khăn, chỉ trông chờ vào khoản thu nhập từ người chồng đánh bắt hải sản trên biển. Khi đang mang thai đứa con thứ hai, bà phải gánh con trai đầu mới 2 tuổi đi bán mực rong. Sáng sớm, bà cùng con bắt xe vượt hàng chục cây số vào tận Tam Quan (Bình Định) mua mực tươi từ những tàu thuyền vừa cập bến. Băng qua đầm nước mặn Trường Xuân, bà phải xắn quần và cuốn dây thúng lên cao cho con khỏi ướt. Một bên thúng là con, bên còn lại là mực, cứ thế bà cuốc bộ bán dạo trên khắp các nẻo đường quê với tiếng rao: “Mực tươi… đây” đến khản giọng.
Nhiều bữa, bà vội vã gánh con và mực chạy vào nhà dân ven đường để tránh những cơn mưa bất chợt. Cậu con trai bé bỏng nằm trong vòng tay ngơ ngác nhìn mẹ nước mắt chảy dài vì “thương con thơ sớm dãi nắng dầm mưa”.
Những lúc gửi con cho người thân, bà lại mang bụng chửa vượt mặt, mua muối và gánh đi đổi lúa, bán rong trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tiếng rao: “Muối… đây” đứt quãng theo những bước chân, lưng áo thấm đẫm mồ hôi giữa trưa nắng. Nhiều bữa về đến nhà quá khuya, bụng đói cồn cào, bà vội lao đến vuốt ve con thơ đang ngủ vùi trong mộng mị. Vào những đêm ở quê biểu diễn cải lương, hát tuồng, chiếu phim… bà lại dắt con dạo quanh sân bãi bán từng điếu thuốc lá và quà vặt kiếm thêm xu bạc lẻ. Vất vả là thế nhưng cuộc sống vẫn cứ khốn khó. Cảm thương cảnh cơ cực của mẹ con bà, một người phụ nữ tên Nguyệt ở TP. Quảng Ngãi nhận thu mua lại số mực, để bà khỏi phải gánh đi bán rong. “Nói là thu mua, nhưng cô Nguyệt tốt bụng lắm. Cô ấy đưa tiền cho tôi đi mua rồi cho tiền công nhiều hơn tiền lãi cả ngày rong ruổi bán mực. Cô ấy còn mua hàng ở các nơi rồi giao cho tôi bán để kiếm lời. Sau đó, cô Nguyệt còn hướng dẫn tôi cách chế biến mực khô rồi bán cho cô với giá cao…”, bà Mai nói.
Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyệt nên việc buôn bán của bà Mai ngày càng thuận lợi. Xưởng chế biến mực khô của bà nằm cạnh quốc lộ 1 được nhiều thương nhân nước ngoài tìm đến đặt hàng khi họ có dịp đi qua vùng biển Sa Huỳnh thơ mộng. “Họ xuống xe, kiểm tra nhà xưởng và cách thức chế biến rồi liền yêu cầu tôi ký hợp đồng với số lượng lớn. Vì thế mà hàng sản xuất không kịp cung cấp cho khách, việc làm ăn ngày càng tấn tới. Tôi cùng với con và người em trai phải lặn lội đến nhiều bến cá ở miền Trung để tìm mua nguyên liệu, hướng dẫn công nhân phương pháp chế biến và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhiều đêm phải thức trắng để làm cho kịp hàng theo yêu cầu…”, bà kể.
Việc mở rộng thị trường tiêu thụ khiến cho xưởng cũ không thể đáp ứng nhu cầu chế biến với lượng hải sản ngày càng tăng cao. Năm 2013, bà đầu tư hơn 7 tỉđồng để mua lại nhà xưởng nằm cạnh cảng cá Sa Huỳnh từ một thương nhân Hàn Quốc hành nghề chế biển thủy sản, do ông này làm ăn thua lỗ. Giờ ở tuổi 55, là giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy sản Thanh Mai với lượng tài sản đang sở hữu hàng chục tỉđồng, nhưng bà vẫn cười tươi khi nghe mọi người gọi mình với biệt danh “Mai mực”. Bà luôn tay ghi chép, kiểm tra chất lượng hàng xuất - nhập và trao đổi giá cả với khách hàng. Những khu nhà xưởng khá nhộn nhịp với việc xe mực và bạch tuộc, sơ chế tôm, sấy khô, đóng thùng… Thay vì chế biến mực khô như thuở ban đầu, công ty của bà hiện đang kinh doanh các loại hải sản tươi: mực, bạch tuộc, tôm cùng với sơ chế và sấy khô để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Những mẻ tôm khô vàng ươm, bạch tuộc trắng tinh mang hương vị mặn mà của biển cả, mực khô trắng ngần khiến những tay bợm nhậu gật gù: “Gần mực thì bia…”.
Cuộc sống của gia đình bà giờ đã sum vầy, cả 4 người con đều trưởng thành. Cậu bé ngày nào ngồi trong thúng cùng mẹ đi bán mực rong đã tốt nghiệp Trường Đại học Nha Trang và hiện đang là ông chủ quán cà phê vườn khá đông khách ở Sa Huỳnh. “Tôi thật may mắn có được người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó làm ăn và nuôi dạy các con nên người”,ông Nguyễn Sắc, chồng bà Mai, tâm sự.
Tri ân cuộc đời
Bà Mai luôn tâm niệm phải trả ơn cuộc đời vì đã có nhiều người giúp sức nên bà mới có được cơ ngơi hôm nay. “Cô Nguyệt là ân nhân đã giúp tôi đến với nghề chế biến thủy sản. Và còn nhiều người khác đã động viên, giúp sức tôi vượt qua những khó khăn trong kinh doanh. Nhờ mấy chú lãnh đạo xã và huyện ủng hộ nên việc xin giấy thành lập công ty được thuận lợi. Giờ thì tôi phải ráng sức trả ơn cuộc đời, san sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn”,bà nói.
Công ty của bà giải quyết việc làm thường xuyên cho trên dưới 30 lao động, những khi đắt hàng lên đến hàng trăm người. Thay vì chọn nam giới và người có sức khỏe dẻo dai như những doanh nghiệp khác, bà Mai lại nhận khá nhiều phụ nữ nghèo và phụ nữ đơn thân đang nuôi con nhỏ vào làm việc. “Lúc trước cô Mai cực lắm nên thấy tụi tui nghèo khổ là cô rất thương, đồng ý nhận vào làm để kiếm tiền lo cho con cái ăn học. Ngày lễ, tết cô còn tặng quà để mang về cho các cháu…”,chị Châu Thị Mỹ Vui, một phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ, đang làm trong công ty, cho biết.
Vào dịp Tết Trung thu, bà luôn tổ chức đêm hội trăng rằm cho con em của công nhân cùng hàng trăm trẻ em nghèo trong ở địa phương đến chung vui. Những đôi mắt hồn nhiên cười đùa, xem múa lân và rất đỗi vui mừng khi được nhận quà khiến bà mãn nguyện. “Cô ấy thương trẻ con lắm. Nhiều lúc em cố làm ráng thì cô ấy nhắc chừng, tranh thủ ghé qua nhà để trông cháu”,chị Võ Thị Ngổ, một phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, tâm sự.
Tôi được gặp bà trong nhiều đợt phát quà cho người nghèo. Chiếc xe tải vừa dừng bánh, một người phụ nữ dáng to lớn, ăn mặc giản dị vội rời ca bin và nhanh nhẹn mang từng thùng hàng đến trao cho những người dân nghèo đứng đợi. Quà của bà là những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống: áo ấm, chăn, màn, mì tôm, gạo, nước mắm, dầu ăn… Cầm chiếc áo ấm mới tinh và gói quà trên tay, một cụ bà trên 80 tuổi xúc động: “Cầu mong cho con “Mai mực” luôn được mạnh khỏe để nó làm được nhiều tiền mà giúp đỡ cho những người nghèo khổ…”.
“Chị Mai năng động trong sản xuất kinh doanh và có tấm lòng tốt, luôn giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo và tổ chức nhiều đợt trao quà từ thiện. Chị ấy còn đến thăm và trao quà để động viên ngư dân yên tâm bám biển, tích cực hỗ trợ các hoạt động của Hội. Ghi nhận những đóng góp của chị đối với cộng đồng, Trung ương Hội Phụ nữ tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển phụ nữ, các cấp Hội và chính quyền tặng nhiều bằng khen, giấy khen”,bà Lê Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đức Phổ - cho biết.
Tôi phỏng vấn câu cuối cùng: “Bí quyết nào giúp bà thành công?”“Đó là ráng sức làm việc, không gian dối, lọc lừa. Đồng tiền như chiếc bánh xe lăn từ người này sang người khác. Nếu ai sống tốt thì Trời thương cho nhiều tiền hơn để giúp đỡ những người còn nghèo khó…”,bà nói.
Một suy nghĩ về cách sống khá đơn giản nhưng mấy ai làm được?
Minh Kỳ