Pháp-Trung Quốc cùng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng
Quốc tế - Ngày đăng : 12:37, 08/01/2018
Chuyến thăm 3 ngày (từ 8 đến 10.1) của ông Macron là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo một quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) kể từ khi ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực ở Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hồi cuối tháng 10.2017.
Chuyến thăm diễn ra vào lúc ông Macron kêu gọi một châu Âu mạnh mẽ hơn “để đối mặt với Trung Quốc và Mỹ”, trong diễn văn mừng năm mới 2018 của ông.
Trung - Pháp đều mô tả chuyến thăm của ông Macron là cơ hội chuyển hóa quan hệ song phương, lập quan hệ đối tác mạnh hơn giữa Trung Quốc với EU.
Theo báo Guardian, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hy vọng Pháp (mở rộng hơn là EU) sẽ chấp thuận chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Một Vành đai, Một con đường của ông, vào lúc Trung Quốc nuôi tham vọng vươn lên thay thế Mỹ dẫn đầu trật tự thế giới mới.
Tổng thống Pháp sẽ mở rộng ảnh hưởng cá nhân và của chính phủ Pháptừ khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, và Anh quyết định vụ Brexit (rời khỏi EU).
Bắc Kinh đón tiếp ông Macron trước khi nữ Thủ tướng Anh Theresa May có thể thăm Trung Quốc vào cuối tháng 1 này. Anh đã liên tục hủy chuyến thăm này hồi hè 2017.
Trước khi xảy ra vụ Brexit ở Anh, Bắc Kinh từng muốn London là một đồng minh chủ lực trong khối EU, nên đã ca ngợi “thời đại vàng” trong quan hệ Trung - Anh. Nhưng sau khi Anh quyết “ly dị” EU, Bắc Kinh hướng sự chú ý qua thủ đô Pháp. Nhà nghiên cứu cấp cao Bartholemy Courmont của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Pháp, nói Trung Quốc nay xem ông Macron là cầu nối Bắc Kinh với châu Âu.
Chuyên gia về chính trị Trung Quốc này nói: “Rõ ràng nhận định của Trung Quốc là Pháp đại diện châu Âu về chính trị. Trung Quốc xem Đức là đối tác kinh tế ở châu Âu, còn Pháp là đối tác ngoại giao và quốc phòng. Trước Brexit, Trung Quốc xem Anh là đối tác chính ở châu Âu, nhưng nay họ không quan tâm đến Anh nữa”.
Nhà nghiên cứu cấp cao Courmont tin tưởng Tổng thống Pháp sẽ đề cập vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc nhưng Bắc Kinh sẽ không muốn nghe, và điều Trung Quốc thật sự muốn nghe là ông Macron sẽ chấp thuận chương trình Một Vành Đai, Một Con đường của ông Tập.
Ông Courmont cũng nói hiện châu Âu phát đi các tín hiệu khác nhauvề việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị, chiến lược và kinh tế. Ông cũng cho rằng ông Macron sẽ phát đi một tín hiệu tích cực đối với chương trình Một Vành Đai, Một Con đường.
Ông Triệu Thần, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - châu Âu ở Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, nói từ khi Anh quyết rời EU, Trung Quốc bắt đầu chú trọng Pháp, Đức: “Hiện Pháp là đối tác quan trọng hơn ở châu Âu và vũ đài quốc tế. Đó là một thế lực trung dung có tầm ảnh hưởng quốc tế”.
Pháp - Trung đều là cường quốc hạt nhân, đều là thành viên có quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an LHQ. Hai nước cũng đã trao đổi nhiều về chiến tranh ở Syria, xung đột Israel-Palestine, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên và sự thay đổi thời tiết toàn cầu.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)