Từ 'Tui là Tư Hậu' của Trấn Thành tới chuyện quảng cáo trá hình và ý thức của nghệ sĩ
Văn hóa - Ngày đăng : 20:43, 08/01/2018
Phim 13 phút, có tới 5 quảng cáo nhãn hàng
Mặc dù mới chỉ công bố tập đầu tiên trong series hài “Tui là Tư Hậu” cách đây vài ngày nhưng sản phẩm mới của MC, diễn viên Trấn Thành ngay lập tức vấp phải nhiều chỉ trích của khán giả.
Trước đó, chia sẻ về dự án của mình, Trấn Thành cho biết đây là một “siêu phẩm mới”, được anh ấp ủ từ lâu, đầu tư "khủng", sản xuất và phát miễn phí trên kênh Youtube.
Nhân vật Tư Hậu (do Trấn Thành thủ vai) xuất hiện trong cả 8 tập của series hứa hẹn đem lại tiếng cười bằng những tình huống éo le, câu chuyện dở khóc dở cười, như Tư Hậu đi học, bắt cướp, tập gym, hẹn hò, đóng phim, đi ngân hàng, khám bệnh…
Từ trước đến nay, Trấn Thành được biết đến chủ yếu với vai trò MC và diễn viên hài nhưng lần đầu tiên, Trấn Thành xuất hiện với tư cách nhà sản xuất. Đây cũng là dự án cá nhân đầu tiên của nam diễn viên sinh năm 1987 này. Vì thế, ngay từ khi dự án rục rịch, nhiều người đã kì vọng sản phẩm đầu tay này sẽ có một điều gì đó mới mẻ với cái tên Trấn Thành.
Nhiều khán giả không hiểu, đây là phim hay quảng cáo? Có khán giả hỏi: “Trấn Thành vẫn chưa kiếm tiền đủ hay sao?”. Thậm chí, một khán giả còn bình luận: “Tui là Tư Hậu” chính là “đỉnh cao hài nhảm” của Trấn Thành”.Thế nhưng, sau khi tập đầu tiên với thời lượng 13 phút được phát sóng vào tối ngày 29, nhiều khán giả có cảm giác bị “lừa”. Bên cạnh nội dung nhảm, nhạt nhẽo, phim của diễn viên hài này chứa toàn quảng cáo nhãn hàng.
Mặc dù thời lượng chỉ có 15 phút nhưng sản phẩm mới của Trấn Thành lại “tranh thủ” lồng vào tới 5 quảng cáo cho nhãn hàng, từ trà sữa, bánh kẹo, điện thoại, mĩ phẩm, tới dịch vụ vận chuyển… Các nhãn hàng không chỉ xuất hiện một lần mà xuất hiện đi xuất hiện lại, lồng ghép một cách lộ liễu gây phản cảm cho người xem.
Có phân đoạn còn lộ liễu tới mức, Trấn Thành đọc vanh vách từng loại mỹ phẩm chứa trong đó gồm sữa rửa mặt, kem dưỡng da, sữa trắng toàn thân với từng công dụng khác nhau. Người xem tự hỏi, không biết Trấn Thành là diễn viên hay là nhân viên bán hàng tiếp thị sản phẩm?
Đành rằng là một phim giải trí, không quá chú trọng vào giá trị nghệ thuật. Theo một cách nào đó từ trước đến giờ, “nhảm” được miễn cưỡng xem là “đặc sản” của Trấn Thành; song không có nghĩa, Trấn Thành có thể lôi “thượng vàng hạ cám” vào sản phẩm của mình được.
Sau khi phát hành vài ngày, series phim “Tui là Tư Hậu” của Trấn Thành vấp phải chỉ trích từ dư luận. |
Không phải là cá biệt
Khi sản xuất CD mất vị trí thượng phong trong thị trường âm nhạc thì MV, phim ca nhạc bùng nổ, lên ngôi. Từ những thí sinh mới bước ra từ một gameshow ca hát cho đến những cái tên vô danh, ca sĩ chưa nổi, mới nổi, trở lại sau nhiều năm vắng bóng và cả ca sĩ nổi tiếng, ai cũng đều đổ xô làm MV, phát miễn phí trên kênh Youtube.
Có những MV nội dung vô thưởng vô phạt, nhảm nhí, cũng có thể đưa một người không có tên tuổi đến với công chúng. Trong khi đó, hầu hết ca sĩ bây giờ đều có kênh phát hành MV riêng trên Youtube, như một địa chỉ của mình sau trang facebook, fanpage cá nhân. Ngoài việc giới thiệu sản phẩm, nếu lượt theo dõi và lượt người xem cao còn thể kiếm được tiền từ Youtube.
Nhìn ra MV ca nhạc đang là hướng đi chính của ca sĩ hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào tài trợ lồng ghép quảng cáo vào nội dung. Theo đó, ca sĩ và nhãn hàng đều có lợi: ca sĩ có thêm kinh phí để sản xuất MV, còn sản phẩm được người xem biết đến nhiều hơn.
Thậm chí, so với phương thức quảng bá truyền thống, “vin” vào MV ca nhạc để đưa nhãn hàng đến đông đảo người xem còn hữu hiệu hơn rất nhiều, nhất là sản phẩm đó được “bảo chứng” bởi những ngôi sao giải trí, những cái tên đang gây bão tại thị trường giải trí Việt Nam…
Với ca sĩ, bỏ tiền ra làm MV khó thu hồi vốn, hầu như phát hành online là chính. Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất là hình ảnh của họ tràn ngập trên mạng, và nhờ lượt người xem đông trên Youtube, trên trang trực tuyến cá nhân mà họ thu được không ít tiền bỏ túi.
Mặc nhiên, sự góp tay của nhà tài trợ thông qua việc quảng bá nhãn hàng của họ một cách vừa phải, chấp nhận được, trở nên bình thường. Vì thế nên, trong vài năm trở lại đây, việc nhãn hàng xuất hiện trong các sản phẩm giải trí không phải là hiếm.
Trước series hài của Trấn Thành, hàng loạt MV ca nhạc có thể kể ra đây như “Phía sau một cô gái” của Sobin Hoàng Sơn, “Lạc trôi” và “Âm thầm bên anh” của Sơn Tùng M-TP, “Get Down” của Issac, “Thật bất ngờ” của Trúc Nhân, phim ngắn ca nhạc “Chuyện tình Maldives” của Noo Phước Thịnh và Thủy Tiên, “The Moment”- MV của Phương Linh… cũng lồng ghép quảng cáo cho các nhãn hàng theo nhiều mức độ khác nhau.
Nhìn ra được nguồn lợi hấp dẫn và béo bở đó, nhiều nghệ sỹ ở ta “bất chấp” tất cả để làm. Thậm chí, có những MV dính phải những lùm xùm không đáng có, các đơn vị chức năng phải vào cuộc.
Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện MV “Cám ơn cha” của ca sỹ Hồ Ngọc Hà phát hành. Sản phẩm là một món quà nhân văn, ý nghĩa nếu như không có một số cảnh quay quảng cáo rượu trá hình, cận rõ nhãn hiệu trong MV. Sự việc này từng khiến dư luận lên tiếng và cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nữ ca sỹ bị xử phạt 30 triệu đồng vì sản phẩm này.
Xem MV “Phía sau một cô gái” của Sobin Hoàng Sơn, nhiều người không hiểu đây là MV ca nhạc hay là clip quảng cáo? |
Ý thức của nghệ sỹ đến đâu?
Thực ra, không ai nói ra nhưng từ lâu, khán giả đều xem việc lồng ghép quảng cáo trong các MV, clip ca nhạc, phim ca nhạc ngắn là hết sức bình thường. Động thái này được xem là một cách đồng cảm của công chúng dành cho nghệ sỹ khi biết rằng để sản xuất một sản phẩm âm nhạc chất lượng, chi phí rất lớn, đã thế lại còn phát hành miễn phí.
Thế nhưng, cái gì cũng có giới hạn, chừng mực. Quảng cáo cũng được nhưng phải khéo léo, tinh tế. Không nên qua mặt và biến người xem thành một người hâm mộ “bù nhìn”, không có cảm xúc. Khi mọi thứ đi quá giới hạn, sự đồng cảm đó sẽ biến thành phẫn nộ.
Khán giả có thể xem Trấn Thành để lộ tên nhãn hàng một lần, đến lần thứ 2 thấy nhãn hàng khác, họ có thể bỏ qua; tới lần thứ 3, những người yêu mến thần tượng của mình có thể ngụy biện: nghệ sỹ làm MV tốn kém, nhãn hàng tài trợ”. Nhưng tới lần thứ 4, thứ 5, câu chuyện đã khác.
Có khán giả còn thắc mắc, nếu phim dài hơn nữa, chưa biết, MC tranh thủ “nhét” vào bao nhiêu cái tên nhãn hàng nữa?
Câu chuyện đặt ra ở đây là ý thức của nghệ sĩđến đâu? Liên hệ tới câu chuyện nữ ca sĩHồ Ngọc Hà, ai cũng biết, ở Việt Nam, rượu bị cấm không được xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Thế nhưng, các hãng rượu tìm mọi cách “lách luật”, núp bóng các chương trình văn hóa, nghệ thuật để quảng bá thương hiệu của mình từ buổi tiệc dành cho “sao”, các doanh nhân…
Vì lợi nhuận, một số nghệ sĩ bất chấp vi phạm, quảng cáo những thứ cấm. Như vậy có chấp nhận được không? Công chúng tự hỏi, ý thức của nghệ sĩở đâu khi phát tán những hình ảnh không đẹp mắt trước công chúng.
MV “Cảm ơn cha” của Hồ Ngọc Hà bị phạt 30 triệu đồng vì quảng cáo rượu trái phép. |
Chưa kể, có một điều mà có lẽ, các nghệ sĩcủa chúng ta quên mất. Đó là, họ làm ra sản phẩm, để cho công chúng, và cho chính mình. Cái tên sản phẩm sẽ gắn với cái tên làm nghề của mình.
Việc họ mượn cái tên để “làm ăn”, để gắn mác những thứ không thuộc về nghệ thuật vào nghệ thuật, phải chăng là một cú lừa lộ liễu, liên quan đến nhân cách của nghệ sĩ?
Câu hỏi ở đây, ý thức là một chuyện, còn một chuyện khác cũng quan trọng không kém, đó là tự trọng nghệ sĩ, ở đâu? Việc hình ảnh không ăn nhập với nội dung ca khúc và lạm dụng quá nhiều quảng cáo trá hình khiến người ta đặt dấu hỏi về chất lượng của MV, cũng như tên tuổi của ca sĩ đó đã được “thổi phồng”, hay việc để nhãn hàng thao túng nội dung sản phẩm nghệ thuật của mình thì có còn gọi đó là nghệ thuật?
Cốc Vũ/CSTC